Bác ưu 903 KBL – Giống lúa lai chống bạc lá vụ mùa

Lượt xem: 149

Nghề trồng lúa ở khu vực miền Bắc, có lẽ không ai không biết đến bộ giống lúa lai hệ Bác ưu: Bác ưu 64, Bác ưu 903, Bác ưu 253… Đây là bộ giống lúa lai cảm quang (chỉ trồng vụ mùa) có nguồn gốc Trung Quốc, mà ngay từ khi xuất hiện lập tức có chỗ đứng vững chắc vào vụ lúa mùa ở miền Bắc, trở thành giống lúa lai chủ lực. Ưu điểm của Bác ưu là chịu úng cực tốt, dân gọi “lúa ngoi” vì có năm lúa cấy xong bị úng ngập nhiều ngày liền, các giống khác chết hết chỉ có Bác ưu là ngoi lên, sinh trưởng phát triển bình thường. Gạo của Bác ưu khá ngon và dễ sản xuất giống F1; dòng mẹ (BoA) lại dễ duy trì. Nhiều HTXNN của Nam Định trước đây đủ sức tự sản xuất được giống lúa lai hệ Bác ưu, trở thành “cái nôi” đầu tiên của cả nước làm lúa lai F1.

Nhưng cũng giống như nhiều giống khác, đỉnh cao trong sản xuất, từ năng suất, diện tích của Bác ưu kéo dài chỉ 5-7 năm. Về sau, Bác ưu bị nhiễm bệnh bạc lá rất nặng, loại bệnh nguy hiểm nhất trong sản xuất lúa mùa. Sau này, diện tích lúa lai vụ mùa chững lại, một phần do giống Bác ưu nhiễm nặng bạc lá nhất là vùng ruộng trũng và ven biển; nặng đến mức, toàn bộ lá lúa bạc trắng cảm giác chỉ xòe que diêm đủ đốt cháy cánh đồng. Những người làm khoa học tiếc nuối một giống rất tốt đã bị thoái hóa khi không còn đủ sức chống chịu các nòi vi khuẩn gây bạc lá phát sinh gây hại. Làm thế nào cứu Bác ưu khỏi bệnh hại tàn phá? Có một đơn vị thành công, đó là Cty CP giống cây trồng miền Nam, với sản phẩm mới: Giống Bác ưu 903KBC (kháng bạc lá).

Trong ngành giống, Cty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC) là đơn vị rất mạnh trong nghiên cứu chọn giống. Xét về nhu cầu, nếu tạo ra được một loại Bác ưu kháng được bạc lá thì sản xuất sẽ tiếp nhận. Và SSC đã có hướng đi đúng. Ông Dương Thành Tài, Phó Tổng giám đốc SSC, người đứng đầu trong nhóm nghiên cứu tạo ra Bác ưu 903KBL, nói: Chúng tôi chọn phương pháp hồi giao truyền thống để chuyển gen kháng bệnh bạc lá Xa 21 vào Bác ưu 903, thành công đến ngoài mong đợi. Kết quả Bác ưu 903KBL gần như giữ nguyên đặc tính di truyền của Bác ưu 903 đồng thời kháng bạc lá rất tốt. Bác ưu 903KBL đã chính thức được Bộ NN-PTNT công nhận giống mới; các địa phương hồ hởi đón nhận khi ngoài sản xuất mỗi vụ đạt gần vài vạn ha và đang trên đà tăng nhanh diện tích.

Nói về bệnh bạc lá (Xanthomonas oryzae), một loại bệnh hại chính trên lúa mùa của miền Bắc nhiều chục năm qua. Bệnh nguy hiểm, dai dẳng bởi rất nhiều nòi vi khuẩn gây bệnh với độc tính khác nhau phân bố theo lãnh thổ và thời gian; loại vi khuẩn này lại có khả năng đột biến rất cao dễ dàng tiến hóa phá vỡ tính kháng của ký chủ. Theo các nhà khoa học, cho đến nay thế giới đã phát hiện 24 gen kháng bệnh bạc lá, ký hiệu từ Xa1 – Xa24, trong đó đáng chú ý là gen Xa21. Sở dĩ Xa21 được nghiên cứu nhiều vì có tính kháng rất mạnh với một phổ nòi Xanthomonas oryzae rất rộng. Gen Xa21 đã được con người chuyển từ lúa hoang Oryza longistaminata vào một số giống lúa phổ biến trong sản xuất, cho thấy kháng được rất nhiều nòi vi khuẩn gây bệnh.

Nhóm nghiên cứu của SSC đã chọn phương pháp hồi giao kết hợp thanh lọc bệnh nhân tạo để chuyển gen Xa21 vào dòng bố Quế 99, từ đó (kết hợp dòng bất dục BoA) tạo ra Bác ưu 903KBL, cách làm tuy chậm (phải hồi giao nhiều đời) nhưng rất hữu hiệu. Bác ưu 903KBL được đánh giá có đặc điểm nông học như thời gian sinh trưởng, chiều cao cây, các yếu tố cấu thành năng suất tương tự Bác ưu 903 thường (Trung Quốc) nhưng tính kháng bạc lá hơn hẳn. Từ vụ mùa 2006, khảo nghiệm tại HTX Bình Mỹ – Bình Lục – Hà Nam, cho thấy các đặc điểm nông học của Bác ưu 903KBL không sai khác so với đối chứng Bác ưu 903 nhưng khi có áp lực của bệnh bạc lá thì Bác ưu 903KBL thể hiện rất rõ tính kháng bệnh (ít nhiễm – cấp 1), trong khi giống đối chứng nhiễm cấp 3-5 làm tỷ lệ lép khá cao 13-15%.

Tương tự vụ mùa 2007, 2008 khảo nghiệm và sản xuất thử ở nhiều nơi tại Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng đều cho thấy tính kháng bạc lá rất mạnh của Bác ưu 903KBL. Vụ mùa 2008, bệnh bạc lá hại nặng các trà lúa của huyện ven biển Kiến Thụy – Hải Phòng. Nhiều giống lúa lai bị bạc lá cấp 5-6, có ruộng chỉ cho năng suất 50kg/sào. Ngạc nhiên vụ sản xuất đó, Bác ưu 903KBL sản xuất thử tại đây bộ lá vẫn xanh tốt, tỷ lệ hạt chắc cao, năng suất trội hẳn so các giống nhiễm. Ở huyện Tiên Du – Bắc Ninh, vụ đó bệnh bạc lá cũng xuất hiện vào giai đoạn trỗ chín với cấp bệnh 5-7 trên các giống Bác ưu 903, Bác ưu 253, Hoa ưu 108, Nhị ưu 838, B-TE1 và giống lúa thường Xi23. Những ruộng có bộ lá xanh đẹp là Bác ưu 903 KBL. Còn ở huyện Ninh Giang – Hải Dương, Bác ưu 903 KBL cho năng suất 61-64 tạ/ha, cao hơn Xi23 khoảng 11 tạ/ha.

Không những NS cao hơn so Bác ưu 903 thường, Bác ưu 903KBL còn kinh tế ở chỗ giảm chi phí phun các loại thuốc trừ bệnh bạc lá, giảm công, tránh ô nhiễm môi trường, tránh độc hại cho người sản xuất và tiêu dùng. Mặt khác do bộ lá xanh bền đảm bảo tỷ lệ hạt chắc cao, vàng sáng, chất lượng gạo cũng tốt hơn, lợi nhuận cao hơn. Cụ thể tính toán của SSC: Trồng Bác ưu 903KBL, nông dân giảm chi phí phun trừ bệnh bạc lá: 1,5 triệu/ha (gồm thuốc, công phun); bội thu do tính kháng bệnh: 3 triệu/ha (500kg, giá 6.000đ/kg). Tổng lợi nhuận tăng 4,5 triệu/ha so trồng Bác ưu 903 thường của Trung Quốc, chưa kể lợi ích môi trường và sức khỏe người sản xuất.

Hiện nay Công ty CP Giống cây trồng miền Nam đã rất chủ động trong việc SX giống F1 Bác ưu 903KBL tại Cần Thơ và Đăk Lăk trong vụ đông xuân hằng năm để kịp thời cung ứng giống sản xuất vụ mùa cho các tỉnh phía Bắc.

* Các cá nhân, đơn vị có nhu cầu hoặc tham khảo thêm về giống có thể liên hệ Chi nhánh phía Bắc của Cty CP Giống cây trồng miền Nam, theo địa chỉ: Số 489/14 Nguyễn Văn Cừ – Long Biên – Hà Nội; ĐT: 0913558581.

Trần Liên Chi Theo NNVN