Bảo vệ đàn vật nuôi trong giá rét

Lượt xem: 94

Đợt rét năm nay được ví với mức độ của đợt rét kỷ lục năm 2008. Mùa đông năm 2008, ước tính có khoảng 52.000 gia súc bị chết rét. Trâu, bò chết tập trung phần lớn ở các tỉnh Đông Bắc với 34.700 con. Ước tính thiệt hại khoảng 180 tỷ đồng.Những ngày vừa qua, thời tiết rét đậm, bất thuận cho sự sinh trưởng, phát triển của gia súc, gia cầm. Trong tháng 1 và tháng 2 nhiều ngày nhiệt độ xuống dưới 15oC; ban đêm, nhiệt độ thấp dưới 10o C; độ ẩm không khí khi thì quá thấp 50%, khi lại quá cao 100%. Khí hậu lạnh, khô hay ẩm ướt đều ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và sức kháng bệnh của đàn vật nuôi.

Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo cho gia súc, gia cầm ổn định và phát triển, người chăn nuôi cần thực hiện tốt những nội dung sau:

Chủ động phòng chống rét cho vật nuôi.

Hầu hết các giống gia súc, gia cầm đều có thân nhiệt ổn định (thân nhiệt bình thường của trâu, bò là 37,5 – 38,5oC; của lợn 38 – 39,5oC; của gia cầm 40 – 42oC… tuỳ theo từng loài và từng độ tuổi). Do thân nhiệt không đổi nên khi nhiệt độ không khí càng thấp, càng tạo ra sự chênh lệch giữa thân nhiệt và môi trường, nhất là những ngày rét đậm, rét hại dưới 15oC, làm cho các quá trình sinh lý, sinh hoá trong cơ thể vật nuôi diễn ra không bình thường (do Stress nhiệt gây ra); ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, phát triển và sức kháng bệnh của vật nuôi, làm cho dịch bệnh dễ phát sinh. Vì vậy, giữ ấm cho gia súc, gia cầm trong những ngày giá rét là việc làm quan trọng và rất cần thiết.

Để giữ ấm cho đàn vật nuôi, người chăn nuôi cần thực hiện tốt việc che chắn chuồng trại để tránh gió lùa, tránh mưa hắt. Nền chuồng phải khô ráo, tránh ẩm thấp hoặc đọng nước. Nơi gia súc, gia cầm nằm phải lót rơm, trấu hoặc lá khô từ 3cm đến 5cm. Những ngày nhiệt độ xuống thấp cần sưởi ấm cho vật nuôi bằng lò sưởi hoặc bằng bóng điện. Đối với trâu bò, có thể may áo chống rét…

Những ngày mưa, rét, nhiệt độ dưới 13oC thì không cho trâu bò đi làm. Nếu có chăn thả thì thực hiện buổi sáng đi muộn, về muộn; buổi chiều đi sớm về sớm vào thời điểm có ánh nắng (sáng đi thả sau 9h00, chiều về chuồng trước 16h00)

Dự trữ và cung cấp đủ nguồn thức ăn, nước uống cho vật nuôi:

Thức ăn phải cân đối các chất như: Chất đạm (Protit), chất béo (Lipit), chất bột (Gluxit), chất khoáng và Vitamin. Đồng thời phải đảm bảo vệ sinh, không mang mầm bệnh, không chứa các yếu tố độc hại như: Vi trùng, vi rút, Hocmon sinh trưởng, kháng sinh, kim loại nặng, độc tố…

Cần lưu ý: Thức ăn phù hợp nhất đối với trâu bò là những thức ăn có nguồn gốc Cenluloze như: Cỏ, rơm, thân cây ngô, lá lang, lá lạc… Các loại thức ăn tinh bột như: Cháo, cám, ngô, khoai, sắn chỉ là nguồn bổ sung (không vượt quá 30% khẩu phần), vì hệ vi sinh vật và hệ men tiêu hoá của trâu, bò không phù hợp với việc tiêu hoá thức ăn tinh bột; nếu trâu bò ăn nhiều cháo, cám, sẽ không thể tiêu hoá hết; tinh bột dư thừa trong dạ dày sẽ ôi thiu, gây rối loạn tiêu hoá, gây chướng hơi dạ cỏ, nghẽn dạ lá sách hoặc viêm loét dạ dày và có thể làm chết trâu, bò. Trong thực tế hiện tượng này xảy ra khá phổ biến, gây thiệt hại không nhỏ, vì vậy không được lạm dụng thức ăn tinh để thay thế rơm, cỏ cho trâu bò.

Hàng ngày nên cho vật nuôi ăn và uống nước ấm có bổ sung muối ăn (3 -5g Nacl/100kg thể trọng) đồng thời bổ sung các vitamin A, B, C, E, D… để tăng cường trao đổi chất và tăng sức kháng bệnh cho vật nuôi.

Thực hiện chế độ chăn nuôi an toàn sinh học:

Thực chất của chăn nuôi an toàn sinh học là thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh do các tác nhân sinh học như: vi trùng, vi rút, ký sinh trùng, côn trùng, nấm, mốc gây nên. Để đảm bảo an toàn sinh học, cần thực hiện tốt tất cả các khâu trong quá trình chăn nuôi, từ việc chọn tạo giống, lựa chọn nguồn thức ăn, xây dựng chuồng trại, đến việc áp dụng công nghệ chăm sóc, nuôi dưỡng và vệ sinh thú y hợp lý. Đó là việc chọn con giống từ những cơ sở an toàn dịch bệnh, có địa chỉ rõ ràng, có uy tín và chất lượng; chọn giống có sức kháng bệnh cao, đã được tiêm phòng đầy đủ. Giống mua về phải nuôi cách ly ít nhất 15 ngày, nếu khoẻ mạnh mới cho nhập đàn. Thường xuyên khử trùng tiêu độc chuồng trại, khử trùng dụng cụ chăn nuôi, máng ăn, máng uống, quần áo, giày dép công nhân… Lối ra, vào khu chăn nuôi phải có thuốc để sát trùng người và phương tiện qua lại; không cho người lạ vào khu chăn nuôi. Thức ăn, nước uống phải đảm bảo vệ sinh. Thường xuyên diệt trừ ký sinh trùng, các loài côn trùng và động vật truyền bệnh như: ruồi, muỗi, chuột, gián… ngăn ngừa các tác nhân sinh học xâm nhập và gây bệnh cho đàn vật nuôi.

Thực tế trong những năm qua cho thấy: Những trang trại, những cơ sở thực hiện tốt chế độ chăn nuôi an toàn sinh học đều cho kết quả phòng ngừa dịch bệnh rất tốt, mặc dù nhiều dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhưng ở những cơ sở này đàn gia súc, gia cầm vẫn được bảo vệ an toàn, ổn định và phát triển tốt. Điển hình là các trang trại của công ty DABACO; công ty CP và các trang trại lớn khác trong tỉnh…

Tiêm phòng đủ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho vật nuôi:

Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh chủ động, tích cực, hiệu quả và kinh tế nhất. Cho đến ngày nay, hầu hết các bệnh do viruts gây ra vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, một số bệnh không thể chữa trị được như: Dịch tả lợn, Cúm gia cầm, Niu cát sơn gà, Dịch tả vịt… Nhiều bệnh khác thường xảy ra ở thể cấp tính, làm chết hàng loạt vật nuôi, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Vì vậy, cần thực hiện nghiêm quy trình tiêm phòng các bệnh nguy hiểm cho đàn gia súc, gia cầm như: Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng ở trâu bò; Dịch tả, Phó thương hàn, Sưng phù đầu, Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng ở lợn; Niu cát sơn, Gum bô rô, Marex ở gà; Dịch tả vịt… Vì đây là biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi hữu hiệu nhất

Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi, nếu có biểu hiện của dịch bệnh, phải báo ngay cho thú y cơ sở và chính quyền địa phương để được hướng dẫn xử lý và ngăn chặn kịp thời, không để lây lan rộng.

Theo HNDVN