Hướng liên kết mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá

Lượt xem: 94

Công ty Tân Nông thu mua khoai tây tại xã Danh Thắng, (Hiệp Hòa).

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã xây dựng vùng nguyên liệu rau, quả phục vụ xuất khẩu. Cách thức phổ biến là DN trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân có ruộng. Để có vùng nguyên liệu rộng vài chục hecta, DN phải ký kết, thoả thuận với hàng trăm hộ. Trình độ canh tác, mức đầu tư của mỗi hộ mỗi khác cũng khiến cho chất lượng nông sản không đồng đều. Vì thiếu nhân lực, thiếu vốn, đầu ra của nhiều loại nông sản bấp bênh nên tình trạng nông dân bỏ ruộng trong vụ đông ngày càng tăng.

Trước thực tế đó, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Tân Nông (gọi tắt là Công ty Tân Nông) đã có cách làm mới. DN xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng rút gọn đầu mối liên kết, chỉ ký hợp đồng với những cá nhân nắm vững kỹ thuật canh tác, có khả năng ứng vốn để tổ chức sản xuất khoai tây tập trung. Mỗi vùng rộng từ 3 – 10 ha do một đầu mối đảm nhận.

Sau khi khảo sát chất đất và điều kiện tưới tiêu, Công ty cùng với các đầu mối liên kết đã mượn ruộng của những hộ không có nhu cầu sử dụng. Nhờ đó, đơn vị có được những cánh đồng khoai tây với diện tích lớn, thuận tiện cho việc dùng máy móc cơ giới trong khâu trồng, thu hoạch, tiết kiệm thời gian thu mua sản phẩm. Công ty ứng trước giống, phân bón, hỗ trợ về kỹ thuật. Những cá nhân tham gia liên kết chịu trách nhiệm thuê nhân công trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo đảm về nước tưới… Cuối vụ, DN thu mua khoai đạt tiêu chuẩn chất lượng, trọng lượng theo giá thoả thuận từ đầu vụ, lấy lại tiền giống, phân bón đã ứng trước.

Ông Hà Văn Hiền, Giám đốc Công ty Tân Nông cho biết: “Từ vụ đông năm 2010, khi chưa thành lập DN, tôi đã mượn 30 ha ruộng để trồng khoai tây Atlantic bán cho một nhà máy chế biến ở miền Nam. Làm thử thấy hiệu quả nên năm 2011, tôi thành lập Công ty Tân Nông và tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu”. Vụ đông năm 2011, đơn vị liên kết sản xuất 50 ha tại 5 huyện, bán cho đối tác hàng trăm tấn khoai tây chất lượng tốt. Từ kết quả của năm 2011, Tân Nông đã được bạn hàng tin tưởng, ký hợp đồng cung ứng khoai tây chế biến với số lượng lớn. Vụ đông 2012, DN mở rộng mô hình liên kết, trồng 200 ha khoai tây Atlantic tại 7 huyện, thành phố, trong đó Tân Yên có diện tích lớn nhất với 70ha.

Cánh đồng sản xuất khoai tây tập trung tại xã Lan Giới (Tân Yên).

Tổng số vốn ứng trước để mua giống, phân bón hơn 7 tỷ đồng. Anh Nguyễn Văn Tú – một đầu mối liên kết với Công ty Tân Nông ở thôn Phúc Hạ, xã Song Mai, TP Bắc Giang cho biết: “Tôi mượn ruộng của người dân trong thôn để có 3ha trồng khoai tây chế biến. Việc mượn ruộng rất dễ dàng do nhiều hộ không trồng cây vụ đông. Cái lợi là sau khi trồng khoai, đất tơi xốp, hạn chế cỏ mọc, dễ canh tác trong những vụ sau”.

Đến thời điểm này, gần 50% diện tích khoai tây trong vùng nguyên liệu của Công ty Tân Nông đã được thu hoạch. Khoai đủ tiêu chuẩn bán cho nhà máy đạt hơn 5 tạ/sào, giá thu mua 7.300 đồng/kg. Khảo sát tại các xã Phúc Sơn (Tân Yên), Hương Lạc, Tân Thịnh, Hương Sơn (Lạng Giang), Danh Thắng, Lương Phong (Hiệp Hoà) cho thấy, khoai thương phẩm có mẫu mã đẹp, độ đồng đều cao. Chi phí đầu tư bình quân 2 triệu đồng/sào, sau ba tháng, nhiều cá nhân liên kết sản xuất với Tân Nông có lãi từ 1 – 1,5 triệu đồng/sào (tương đương 27 – 40,5 triệu đồng/ha). Đây là mức lãi khá so với số vốn đầu tư ban đầu.

Theo anh Dương Văn Tú, thôn Giá, xã Nội Hoàng (Yên Dũng), khi hợp tác với Tân Nông, anh yên tâm tổ chức sản xuất, không lo về đầu ra cho sản phẩm. Các điều khoản trong hợp đồng chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm giữa hai bên. Công ty ứng trước một số vốn lớn, cuối vụ thu mua hết số lượng khoai đạt tiêu chuẩn, có điều chỉnh giá theo thị trường. Nếu không liên kết với DN, anh chỉ có thể trồng hai, ba sào, không đủ sức trồng tới vài hecta. Những đầu mối như anh Tú đã thuê hàng trăm lao động, tạo thêm việc làm, thu nhập cho nông dân.

Theo khảo sát của Công ty Tân Nông, tiềm năng trồng khoai tây chế biến trên địa bàn tỉnh chưa được khai thác hiệu quả. Còn rất nhiều diện tích phù hợp với loại cây này vẫn bị bỏ trống trong vụ đông. Những năm tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu lên khoảng 250 – 300ha, thử nghiệm sản xuất khoai tây giống để hạn chế nhập khẩu.

Cách làm của Tân Nông đã thu hút nhiều cá nhân có tiềm lực về kinh tế, có kinh nghiệm tổ chức sản xuất đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Để mô hình liên kết trồng khoai tây chế biến phát huy hiệu quả cao hơn, cơ quan chuyên môn, chính quyền các huyện, thành phố nên tổng kết, đánh giá mô hình, quan tâm hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất tập trung, khuyến khích, tuyên truyền nông dân cho mượn ruộng trong vụ đông nếu không có nhu cầu sử dụng.

Theo baobacgiang.com.vn