Bước tiến vượt bậc của nông nghiệp, nông thôn Bắc Giang

Lượt xem: 144

Tăng giá trị thu nhập

Một ngày đầu xuân, trời rét ngọt mưa phùn, chúng tôi đến thăm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) của gia đình anh Lê Văn Sĩ, thôn Bãi Lời, xã Tam Dị (Lục Nam). Bước qua cánh cửa, lối duy nhất vào khu sản xuất trong nhà màng có cảm giác khác hẳn, trời như ấm hơn. Anh Sĩ bảo, nhiệt độ trong này chênh lệch so với bên ngoài từ 3-5 độ C nên không phải lo chống rét cho cây.

Bức tranh nông thôn mới ở xã Việt Tiến (Việt Yên).

Bức tranh nông thôn mới ở xã Việt Tiến (Việt Yên)

Dù rét đậm song cây vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, không có hiện tượng bị sương muối, vàng lá như khi trồng ngoài trời. Vụ này, với hơn 3 nghìn m2 nhà màng trồng dưa, đến nay anh đã thu được gần 4 tấn quả, giá bán dao động 15-20 nghìn đồng/kg, thu về hơn 70 triệu đồng. Dự kiến, dưa tiếp tục cho quả, thu hoạch đến hết tháng 4.

Theo anh Sĩ, toàn bộ công đoạn cung cấp nước tưới cho cây được thực hiện tự động bằng công nghệ nhỏ giọt. Qua nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, anh quyết định lựa chọn dưa chuột Maya để sản xuất. Đây là giống dưa mới, chất lượng tốt, được người tiêu dùng sử dụng ăn tươi, chế biến món nộm hay sa lát rất hấp dẫn. Với lợi thế này, sản phẩm thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó. “Canh tác trong nhà màng không những ít sâu bệnh mà giúp tôi chủ động sản xuất. Ví như, trước đây, cứ phải “mùa nào, thức ấy” thì mới thành công nhưng nay trồng trái vụ vẫn được thu, giá trị cao”-anh Sĩ nói.

Trường hợp của hộ anh Sĩ không phải là hiếm trên địa bàn tỉnh hiện nay. Kết quả này có được là sự chỉ đạo tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất của ngành nông nghiệp để nâng cao hiệu quả canh tác. Hiện nay, toàn tỉnh có 246 mô hình nông nghiệp CNC với tổng diện tích nhà lưới, nhà màng hơn 400 nghìn m2; bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp CNC quy mô lớn tập trung có sự tham gia hợp tác, liên kết trong chuyển giao quy trình công nghệ, cung ứng vật tư kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh ứng dụng CNC, phát huy lợi thế, nhiều địa phương đã phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh như: Vải thiều; cam, bưởi, gà đồi, rau an toàn, rau chế biến… Sau một năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, có 46 sản phẩm được công nhận, trong đó có 15 sản phẩm đạt 4 sao và 31 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2019, thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt 105 triệu đồng/ha (toàn quốc đạt 90 triệu đồng/ha). Kết quả này thể hiện trình độ canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ của người dân có bước chuyển đáng kể. Bà con đã quan tâm ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

Nâng chất lượng nông sản, thêm xã đạt chuẩn NTM

Thu nhập từ đồng ruộng với các nguồn khác được nâng lên cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nông dân đã có điều kiện đóng góp xây dựng nông thôn mới (NTM). Vừa qua, xây dựng NTM đạt kết quả nổi bật, toàn tỉnh có 114 xã đạt chuẩn NTM, cao hơn bình quân cả nước; 2 huyện đạt chuẩn NTM. Khắp nơi, làng quê hạ tầng khang trang, sạch đẹp và mấu chốt là cuộc sống của người dân được nâng lên, họ phấn khởi vì có một phần công sức của mình xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Chăm sóc ớt chuông trong nhà màng tại xã Tiến Dũng (Yên Dũng).

Chăm sóc ớt chuông trong nhà màng tại xã Tiến Dũng (Yên Dũng).

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, nông thôn đổi mới chính người dân được hưởng thụ và thấy đó là động lực phấn đấu. Căn cứ vào điều kiện thực tế, thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xây dựng bản đồ các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh làm cơ sở quản lý đất đai, định hướng quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất.

Cùng đó, tập trung nâng cao chất lượng nông sản vì hiện nay Bắc Giang là tỉnh trọng điểm nông nghiệp nhưng tỷ lệ nông sản được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn mới đạt hơn 40%, đây là lĩnh vực cần quan tâm khắc phục, tạo sự đột phá trong thời gian tới.

Tìm hiểu tại huyện Hiệp Hòa, hiện nay chăn nuôi theo quy trình VietGAP chiếm 40% tổng đàn gia súc, gia cầm; trồng trọt 30% tổng diện tích. Ông Hoàng Tiến Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin, hiện nay toàn huyện có hơn 300 hộ chăn nuôi quy mô lớn; mỗi năm sản xuất khoảng 2 nghìn ha rau, củ, quả, sản lượng khá lớn.

Nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng và đòi hỏi thị trường, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện, phấn đấu năm 2020 chăn nuôi an toàn đạt 50%, trồng trọt đạt 40%. Trong đó, coi trọng hướng dẫn, giám sát quy trình sản xuất của người dân, hỗ trợ bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; duy trì vùng sản xuất VietGAP.

Tại huyện Lục Ngạn, thời điểm này các cơ quan chức năng, người dân đang tập trung triển khai các bước để sản xuất vải thiều bảo đảm chất lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong năm nay. Công tác tuyên truyền đến người dân đã hoàn tất. Chủ vườn dọn vệ sinh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để vải ra hoa đạt tỷ lệ cao.

Đi đôi với biện pháp trên, ngành nông nghiệp phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện các hoạt động mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh để thuận lợi xâm nhập vào thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả phong trào “Bắc Giang chung sức xây dựng NTM”, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, phấn đấu đến hết năm 2020, toàn tỉnh có thêm 23 xã và huyện Tân Yên đạt chuẩn NTM. Rà soát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM tại các huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa để chuẩn bị đạt chuẩn trong năm 2021.

Nguồn: baobacgiang.com.vn