Phát triển công nghiệp chế biến nông sản: Nông sản nhiều, chế biến ít

Lượt xem: 97

Tỷ lệ đạt thấp

Chế biến dưa bao tử tại Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C.

Chế biến dưa bao tử tại Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C

Bắc Giang có hơn 50 nghìn ha cây ăn quả như: Vải thiều, cam, bưởi… tập trung nhiều ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Hiệp Hòa. Cùng đó là hàng trăm vùng thâm canh rau màu, rừng kinh tế; đàn gia súc, gia cầm nằm trong tốp những địa phương dẫn đầu cả nước. Đây là tiềm năng lớn cho phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Thế nhưng, thực tế sản phẩm được đưa vào chế biến lại không nhiều. Ví như, vải thiều Lục Ngạn mỗi năm cho thu hơn 100 nghìn tấn song vẫn chủ yếu để bán tươi.

Hiện, một lượng nhỏ vải thiều mới được chế biến thành các sản phẩm như: Giấm, cùi đông lạnh. Tương tự, gà đồi Yên Thế có tổng đàn hàng triệu con/năm nhưng đa phần bán gà lông, sản phẩm giết mổ sẵn, chế biến không đáng kể. Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến gia cầm Giang Sơn, xã Đồng Tâm (Yên Thế)-đơn vị duy nhất tại huyện chế biến gà cho biết: “Để bảo đảm nguồn cung, Công ty đã liên kết với 80 hộ chăn nuôi trên địa bàn tiêu thụ, chế biến gà. Trong đó, gà thịt sẵn khoảng 200 tấn, giò gà hơn chục tấn và gà lông gần một nghìn tấn mỗi năm”.

Hay như lúa là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh nhưng sản phẩm vẫn chủ yếu là xay xát. Trên cây lâm nghiệp, sản lượng khai thác gỗ ngày càng lớn, dự kiến, năm 2020 tổng sản lượng gỗ khai thác rừng trồng đạt khoảng 700 nghìn m3. Hiện tại, sản phẩm gỗ bán thô hoặc chế biến đơn giản là chủ yếu nên hiệu quả chưa tương xứng tiềm năng. Toàn tỉnh có 770 cơ sở chế biến gỗ, hầu hết quy mô nhỏ, công nghệ và công suất chế biến không cao, chủ yếu băm dăm, ván bóc. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện mới có 25% tổng sản lượng gỗ được đưa vào chế biến sâu.

Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết đến nay chưa có thống kê cụ thể về nông sản được đưa vào chế biến song nhìn chung tỷ lệ nông sản chế biến tại tỉnh rất thấp.

Xây dựng bản đồ vùng nguyên liệu

Lý giải về tình trạng trên, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, những năm qua, việc chế biến nông sản vẫn chưa được các cấp, ngành quan tâm đúng mức. Ngoài ra, sản phẩm chế biến chưa đa dạng, thói quen tiêu dùng của người dân vẫn thích ăn tươi khiến việc tiêu thụ nông sản chế biến gặp khó. Cùng đó, sản xuất của bà con còn nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng tập trung, doanh nghiệp (DN) chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu.

Đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 phấn đấu hình thành các vùng sản xuất rau chế biến, rau an toàn bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, khu công nghiệp và cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, với quy mô diện tích chiếm khoảng 50% tổng diện tích rau màu của tỉnh; 60% sản lượng gỗ khai thác rừng trồng được đưa vào chế biến sâu phục vụ xuất khẩu.

Nghị quyết số 401-NQ/TU,

ngày 3/4/2019 của Tỉnh ủy.

Đại diện Công ty cổ phần chế biến Thực phẩm xuất khẩu G.O.C, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) bày tỏ, nhà máy đầu tư dây chuyền chế biến công suất lớn, bình quân cần khoảng 25-30 nghìn tấn nông sản/năm nhưng nhiều thời điểm không đủ nguyên liệu duy trì sản xuất liên tục. Khắc phục tình trạng này, Công ty cũng phải thu mua rau, quả ở các địa phương khác nhau như: Lạng Sơn, Hải Dương, Thái Nguyên… dẫn đến tăng chi phí đầu vào sản xuất.

Còn Công ty cổ phần chế biến gia cầm Giang Sơn thì gặp khó khăn về vốn. Một số siêu thị chậm trả tiền sau khi nhập hàng nên DN không đủ tài chính trả tiền cho nông dân bán gà cho Công ty. Vì vậy, DN không thể mạnh dạn đầu tư, mở rộng mặt hàng gà chế biến.

Mặt khác, khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm mùa vụ như rau quả, gây tổn thất sau thu hoạch. Các thiết bị đầu tư của các DN thiếu đồng bộ.

Xác định đây cũng là một trong những điểm nghẽn, hạn chế của ngành nông nghiệp, thời gian tới, việc đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản sẽ được quan tâm hơn. Nghị quyết số 401-NQ/TU, ngày 3/4/2019 của Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 xác định, hình thành các vùng sản xuất rau chế biến, an toàn bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, khu công nghiệp và cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, với quy mô diện tích chiếm khoảng 50% tổng diện tích rau màu của tỉnh.

Sản phẩm thịt lợn, thịt gà chế biến đủ tiêu chuẩn phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, sớm đưa sản phẩm thịt lợn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Phấn đấu, 60% sản lượng gỗ khai thác rừng trồng được đưa vào chế biến sâu phục vụ xuất khẩu.

Để đạt mục tiêu đề ra, theo ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, tỉnh đang thu hút và khuyến khích phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao theo định hướng quy hoạch kết hợp với các biện pháp tổ chức tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản; đồng thời đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải, chất thải, khí thải, bảo vệ môi trường.

Cụ thể hóa nội dung này, sở đang xây dựng bản đồ vùng nông sản, ưu tiên thu hút dự án sản xuất, chế biến nông sản hướng đến xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu gồm: Chế biến rau xuất khẩu ở Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa; chế biến quả xuất khẩu ở Lục Ngạn, Lục Nam; chế biến gỗ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu tại Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế; các dự án giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tại Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang, TP Bắc Giang và chế biến sản phẩm thịt lợn, gà ở Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam phục vụ thị trường trong nước.

Nguồn baobacgiang.com.vn