Nông nghiệp tử tế – Thay đổi cách thức làm nông nghiệp hiện nay

Lượt xem: 122

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và trở thành đầu tàu liên kết với nông dân để sản xuất nông nghiệp sạch. Ảnh: Tư liệu

Nông nghiệp tử tế trong định hướng phát triển nông nghiệp Việt Nam

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi toàn dân hãy nói không với thực phẩm bẩn và chấm dứt tình trạng trồng rau hai luống, nuôi lợn hai chuồng khi mà còn có người nông dân sản xuất chưa tử tế. Đây là vấn đề lớn cần đặt ra cho phương hướng phát triển nông nghiệp nước ta khi nông nghiệp Việt Nam tham gia sâu rộng trong chuỗi giá trị toàn cầu; Vậy nông dân phải làm gì và làm thế nào? Đây là câu hỏi cần giải quyết trong thời gian tới.

Khái niệm Nông nghiệp tử tế là gì?

Hiện nay chưa có một khái niệm chính thức về Nông nghiệp tử tế trong bài này tác giả xin nêu ra khái niệm này.

Nông nghiệp tử tế là nền nông nghiệp mà người nông dân áp dụng các quy trình quản lý, các tiến bộ khoa học tiên tiến để sản xuất có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu; Người nông dân phải tự giác tuân thủ theo hướng dẫn của tiêu chuẩn VietGAP, GlobleGAP, tiêu chuẩn NN hữu cơ, sản xuất thân thiện với môi trường, sản xuất có trách nhiệm, có đạo đức với bản thân và cộng đồng.

Như vậy, khái niệm này có 2 vấn đề đặt ra cho người nông dân trong Nông nghiệp tử tế là: Sản xuất phải đạt hiệu quả, có thu nhập cao cho người sản xuất và đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị của sản phẩm; Sản xuất phải thân thiện với môi trường, phải sạch, an toàn.

Để giải quyết 2 vấn đề trên nông nghiệp nước ta sẽ phát triển như thế nào để đáp ứng được các yêu cầu: Người nông dân phải giàu lên từ mảnh đất của mình, nhưng phải có đạo đức, có trách nhiệm với xã hội. Đây là vấn đề cần được xem xét với góc độ đặc trưng của nền nông nghiệp nước ta, lịch sử phát triển và cơ hội cần phải tận dụng như thế nào? Các nội dung được trình bày tại các phần sau.

Đặc trưng của Hệ thống Tam nông:

Lịch sử phát triển nông nghiệp Việt Nam là nền văn minh lúa nước với Hệ thống Tam Nông – 3N (Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn) thuộc kiểu hệ thống sinh thái nhân văn, đặc trưng bởi tính ỳ có chu kỳ, tính ỳ này được quy định chặt chẽ bởi tính mùa vụ do thiên nhiên quy định ở Việt Nam. Từ đặc trưng địa sinh thái dần hình thành nếp tư duy và thói quen của người nông dân. Điều này có nghĩa là một chính sách mới nhằm phát triển Nông nghiệp và Nông thôn phải thực sự góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của Nông dân và phải được Nông dân đồng thuận. Do đặc điểm của tính ỳ mà hệ 3N có một đặc trưng phát sinh khác là thay đổi rất chậm. Nhưng rất dễ bị thay đổi theo tác động trước mắt-theo phong trào (đám đông). Như vậy, những hoạt động phát triển nóng đều có hại cho hệ thống 3N. Điển hình là sản xuất không theo quy hoạch, kế hoạch, không gắn với thị trường dẫn tới được mùa thì mất giá…

Các đặc trưng trên cần được chú ý khi thực hiện Nông nghiệp tử tế trong điều kiện phát triển nông nghiệp hiện nay khi sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang các ngành khác đang diễn ra mạnh mẽ.

Các phương thức sản xuất Nông nghiệp và kết quả ở nước ta:

Sở hữu đất đai trong nông nghiệp qua lịch sử của đất nước: Thời kỳ phong kiến ruộng đất tập trung trong tay địa chủ, còn nông dân làm thuê cho các chủ đất; Cách mạng tháng Tám thành công với chủ trương mang lại ruộng đất cho dân cày, người nông dân là chủ ruộng đất của mình; Sau cải cách và thời kỳ hợp tác hóa (1958) mọi vật tư và ruộng đất đều xung công, người nông dân sản xuất theo tổ chức hợp tác xã – đánh kẻng ghi công. Nhưng hình thức tổ chức sản xuất hợp tác xã này đã bộc lộ nhiều tồn tại. Với thể chế quản lí kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp và HTX dựa trên chế độ sở hữu tập thể về ruộng đất và các tư liệu sản xuất chủ yếu…, hình thức đã triệt tiêu động lực sản xuất của người nông dân, quyền lợi của họ không gắn với công sức trong quá trình sản xuất. Nhưng thành công đã đến với các giống cây trồng mới, các giống cây vụ đông… khi mà tất cả các bứt phá thí điểm làm vụ đông đều thành công vào các năm cuối những năm 70 của thế kỷ 20.

Kết quả chủ trương khoán hộ trên của ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc năm 1968 đã được thừa nhận. Từ tổng kết thực tiễn Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10 (tháng 4 năm 1988) đã thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, các yếu tố mới về kĩ thuật sản xuất nói chung, giống lúa ngắn ngày, lúa xuân và vụ đông, nói riêng…, đã có điều kiện phát huy hết tiềm năng của nó. Nhưng sự thay đổi phương thức phát triển kinh tế của Chỉ thị 100 và Nghị quyết 10 chỉ có ý nghĩa “cởi trói” cho nông nghiệp và nông dân.

Đặc biệt từ sau thời kỳ đổi mới năm 1986 trở lại đây, hàng loạt các chính sách về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn đã được Đảng, Nhà nước ban hành để đáp ứng cho sự phát triển của nông nghiệp nước ta như: Ruộng đất được giao lại cho nông dân, Việt Nam đã tự thoát khỏi nạn đói, vươn lên là nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới; Để phù hợp với thực tế thay đổi theo xu hướng sản xuất hàng hóa tập trung, các chủ trương tích tụ ruộng đất theo quy hoạch mới – cánh đồng mẫu lớn và HTX kiểu mới – những người tiên tiến có cùng hướng phát triển các cây con đặc thù của địa phương, sản xuất có sự liên kết với các DN, thương nhân bảo đảm cho ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ của thị trường… Do vậy, nông nghiệp đã có bước chuyển tích cực.

Theo Báo cáo KTXH của Chính phủ năm 2019, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tăng 16,5% so với năm 2018, nhóm cây ăn quả đạt sản lượng thu hoạch khá, đặc biệt ngành thủy sản là điểm sáng tăng 5,6% với sản lượng nuôi trồng và khai thác đều tăng. Về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói chung sang EU, năm 2019 tổng giá trị thu về là 2,6 tỷ USD, chiếm 6,4% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019, cả nước có trên 2.750 DN nông lâm thủy sản thành lập mới, tăng hơn 25% so với năm 2018, đưa tổng số DN trong ngành lên con số 12.600 (tăng trên 36%). Cùng với sự đầu tư, phát triển của các DN nhỏ và vừa, một số tập đoàn, DN lớn tăng rót vốn vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao như: Vinamilk, , Dabaco, TH, Masan, Lavifood, Ba Huân… Năm 2019 có 17 dự án với mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng vào khâu chế biến, bảo quản nông sản được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động. Với mô hình liên kết mới giữa nông dân và doanh nghiệp, Vingroup và các DN khác đã bước đầu thành công nhờ mối liên kết này, vấn đề là Vingroup đã tiên phong làm chỗ dựa cho người nông dân. Hiện tại, rất cần những chính sách để lan tỏa và nhân rộng những mô hình kết nối cả nghìn hộ nông dân như Vingroup.

Như vậy nếu trước đây, chỉ có một số ít DN vừa và nhỏ đầu tư vào nông nghiệp, mà cũng chỉ ở khâu thương mại, thì hiện các DN đã đầu tư theo chuỗi, từ khâu sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, cuối tháng 9.2019, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (Vida) đã được thành lập, do ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT đứng đầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh 4.0 trong nông nghiệp.

Theo Báo cáo Viện Khoa học Lao động và Xã hội “Xu hướng Lao động và Xã hội Việt Nam 2009-2010” ghi nhận đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam kể từ năm 2000 song hành cùng với sự chuyển đổi nhanh chóng về cơ cấu. Việc làm trong nông nghiệp giảm từ 65,3% trong năm 2000 xuống 52,2% trong năm 2007, do nguời lao động chuyển dịch sang các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ… Dân số Việt Nam năm 2019 của cả nước 96,48 triệu người. Trong đó dân số thành thị 33,46 triệu người, chiếm 34,7%; dân số nông thôn 63,02 triệu người, chiếm 65,3%.

Để đạt được các kết quả trên, Đảng, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân như:

– Nghị quyết số: 26-NQ/TW ngày 5.8.2008, Hội nghị lần thứ 7 BCHTW khóa 10 đã ban hành Quyết định về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết đã nêu ra định hướng cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta.

– Quyết định số 01/2012/QĐTTg do Thủ tướng Chính phủ đã ban hành về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó có NNHC

– Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08. 01.2010 của Chính phủ về Khuyến nông.

– Quyết định 889/2013/QĐ-TTg về ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao gía trị gia tăng cao và phát triển bền vững.

– Nghị định số 57/2018/NĐ-CP Chính phủ ban hành về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ngày 17.4.2018.

– Nghị định số 98/2018/NĐ-CP Chính phủ ban hành về chính sách, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ngày 5.7.2018.-

Nghị định số 109/2018/NĐ-CP Chính phủ ban hành về Nông nghiệp hữu cơ, ngày 29.8.2018

– Quyết định 885/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23.6.2020 về Phê duyệt Đề án Phát triển Nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030.

– Chương trình phát triển bền vững ở Việt Nam; Định hướng phát triển kinh tế xanh…

Nhưng thực tế hiện nay 65,3% dân số Việt Nam sống tại nông thôn hiện đang còn chịu nhiều thiệt thòi về an sinh xã hội, thiên tai, môi trường, cơ sở hạ tầng, các chính sách cũng còn điểm bất hợp lý về quyền tài sản đất đai, điều kiện hạn chế khi tiếp cận với các nguồn lực quốc gia về tài chính, tri thức, pháp lý… Đặc biệt là quyền sở hữu và sử dụng đất đai ổn định lâu dài chưa được ghi nhận rõ ràng nên chưa mang lại niềm tin cho người nông dân nhằm khuyến khích sự đầu tư quy mô lớn, ổn định. Việc giải quyết các khiếu kiện liên quan tới đất đai còn để kéo dài. Theo Thanh Tra Chính phủ, không dưới 70% số vụ khiếu kiện kéo dài là liên quan tới đất đai. Những vấn đề trên cần được các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội vào cuộc cùng người dân tháo gỡ để nông dân yên tâm đầu tư vào sản xuất.

Lao động nông nghiệp thường có thu nhập thấp hơn các lĩnh vực khác (Trong ảnh: Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Vũ Thư, Thái Bình). Ảnh: Kim Anh

Nông nghiệp sản xuất kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu

Cơ hội cho Việt Nam khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA). Đây là yếu tố mới, tạo điều kiện cho nông nghiệp Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu với vị thế bình đẳng, cùng có lợi, theo luật lệ quốc tế, nhờ áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và quản lý. Nhưng yêu cầu phải đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất rất nghiêm ngặt các vấn đề về môi trường. Đây thực sự là cơ hội lớn, nhưng cũng là thách thức cho Việt Nam.

Mặt khác, khi Việt Nam trở thành một nước công nghiệp thì sự chuyển dịch lao động giữa nông dân và các tầng lớp đặc trưng cho xã hội hiện đại phải thể hiện rõ và chiếm tỉ lệ lớn, còn nông dân chỉ còn tỉ lệ thấp. Vậy xu hướng phát triển của nông nghiệp trong tương lai sẽ theo chiều hướng nào?

Xu hướng phát triển NNVN là xây dựng nền sản xuất gắn với sự hỗ trợ của cơ giới hóa, tự động hóa, kinh tế số, nông nghiệp thông minh 4.0… Như vậy, phát triển Nông nghiệp phải theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, thông qua chế biến làm tăng giá trị sản phẩm, dựa trên nền tảng hộ nông dân chuyên nghiệp, kinh tế hợp tác gắn với các doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển chuỗi giá trị, gắn nông dân và HTX với thị trường, xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn, nâng cao khả năng cạnh tranh, áp dụng công nghệ phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về tiêu chuẩn, chất lượng, các quy cách khác cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu trên Việt Nam sẽ bị loại khỏi sân chơi chung toàn cầu.

Nền Nông nghiệp tử tế sẽ đáp ứng cho xu hướng phát triển chung này. Vậy các giải pháp nào cho phát triển nền Nông nghiệp tử tế trong tương lai:

Các chính sách khó khăn vướng mắc còn cản trở cho phát triển nền Nông nghiệp tử tế như trình bày phần trên cần được tháo gỡ và hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển như: Quyền sở hữu đất đai; Công tác quy hoạch vùng sản xuất; Chính sách tăng cường khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; Chính sách, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Từng bước đầu tư cơ giới hóa, tự động hóa, kinh tế số cho nông nghiệp…

Nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Quảng Trị góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và bảo vệ môi trường sinh thái. Ảnh: Bá Thuần

Đào tạo, tập huấn thông qua các mô hình làm thay đổi thói quen tư duy canh tác lạc hậu, sản xuất nhỏ sang hướng sản xuất HTX kiểu mới tập trung theo nguyên tắc đồng thuận, liên kết vì quyền lợi chung có sự tham gia cùng với các doanh nghiệp. Trong điều kiện kinh tế thị trường, để bắt kịp đà phát triển chung của kinh tế thế giới thì người nông dân cần phải trở thành người lao động có tri thức và sáng tạo. Thực tế đòi hỏi cần có sự thay đổi quyết liệt về tư duy đầu tư cho tam nông, từng bước đổi mới cơ bản các chính sách hỗ trợ cho nông dân gắn liền với quyền và lợi ích hợp pháp, khuyến khích nông dân thay đổi thói quen canh tác nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ một cách có trách nhiệm. Để có được điều đó, lợi nhuận phải được phân chia hợp lý để thu nhập chính đáng phải về tay người lao động.

Đầu tư khoa học công nghệ phục vụ phát triển sản xuất Nông nghiệp tử tế rất cần đầu tư của nhà nước về khoa học công nghệ phục vụ phát triển các kỹ thuật mới, sản xuất giống cây con mới có năng suất, chất lượng cao, vật tư đầu vào chất lượng, phù hợp đáp ứng yêu cầu của sản xuất.

Vai trò doanh nghiệp tham gia vào các khâu của quá trình sản xuất hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất đặc biệt khâu chế biến sâu và phân phối sản.

Mặt khác cần tận dụng nguồn lực, kinh nghiệm từ các nước và tổ chức quốc tế cho định hướng phát triển Nông nghiệp tiên tiến ở Việt Nam- Như vậy, đây là hướng thay đổi cách thức phát triển nông nghiệp nước ta trong tương lai.

Nguồn: langmoi.vn