Ngọt ngào hương mật dâng đời

Lượt xem: 205

Vén ong

– A lô! Dạo này anh được quay mật ong chưa ạ? – Tôi bấm điện thoại gọi cho ông Nguyễn Văn Tiến, một trong số ít người có số đàn ong nội lấy mật lớn nhất huyện Tân Yên.

– Vài ngày nữa sẽ được quay lứa mật đầu tiên. Hiện tôi đang đi vén ong để chuẩn bị cho chu kỳ lấy mật mới – Ông Tiến đáp.

Ông Nguyễn Văn Tiến kiểm tra cầu ong chuẩn bị cho thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Tiến kiểm tra cầu ong chuẩn bị cho thu hoạch.

Như đã hẹn, một ngày giữa tháng 3, tôi tìm đến khu vườn nơi ông Tiến đang nhờ nhà dân đặt những đàn ong. Theo chỉ dẫn của ông, tôi cho xe men theo những vườn vải thiều đang trổ hoa trắng cùng hương thơm ngào ngạt ở thôn Công Bằng, xã Tân Trung.

Vừa lúi húi nhấc từng cầu ong ra khỏi tổ, ông Tiến giải thích: “Trước khi quay lấy mật, người nuôi ong phải kiểm tra những thùng ong để tháo ghim, bổ sung cầu mới và cắt bỏ phần tổ ong xây thừa. Đây là công đoạn quan trọng gọi là “vén ong” để bảo đảm ong có đủ chỗ tích trữ mật”.

Vừa chỉ tay vào những con ong thợ bâu kín cầu ong với những túi mật sánh lại ánh lên màu vàng tươi, ông Tiến cho biết, phải kiểm tra kỹ từng thùng ong thì mới đánh giá được lực lượng đàn ong khỏe hay yếu để có sự điều chỉnh cầu ong cũng như thay thế ong chúa cho phù hợp. Bình thường, mỗi thùng ong, ông chỉ đặt 4-5 cầu để ong tập trung xây tổ, tạo mật. Nếu đặt nhiều cầu sẽ làm cho ong phân tán lực lượng, dễ bị chia tách đàn. “Nhiều người cho 6-7 cầu ong vào để mong tạo nhiều mật, nhưng thực tế sẽ mất nhiều thời gian mới được quay mật, lượng mật không bảo đảm”, ông Tiến chia sẻ.

Được biết, trước đó mấy hôm, ông Tiến cũng đã cho thay thế những con ong chúa già bằng ong chúa non, khỏe mạnh hơn. Không giống như những chủ nuôi ong lấy mật khác thường phải đi mua ong chúa về thì ông tự làm ra chúng để chủ động thay thế trong đàn. Theo ông Tiến, muốn có được sản lượng mật cao, chất lượng tốt, phải có 3 điều kiện: Thời tiết khô ráo; đàn ong khỏe và nguồn hoa nhiều. Trong đó, đàn ong là quan trọng nhất. Muốn vậy, ong chúa phải khỏe, có khả năng sinh ra nhiều ong thợ bù vào lượng ong thợ hết vòng đời 55 ngày sẽ tự chết đi.

Kinh nghiệm của ông Tiến để tạo ra ong chúa tốt, trước hết phải chọn đàn ong thuần, chịu khó lấy mật và không dữ. Khi chúng sinh con cũng sẽ tạo được đặc tính ấy, giúp người nuôi ong chăm sóc thuận tiện, ít bị ong đốt. Bên cạnh đó, ông Tiến còn cho lai tạo với những đàn ong của người nuôi ong khác nhằm tránh cận huyết, tăng sức đề kháng cho đàn ong sau này.

Có lẽ do biết cách tự nhân giống ong chúa nên hằng năm, ông Tiến luôn duy trì số lượng đàn ong lớn, từ 150 – 180 đàn, có thời điểm lên đến hơn 200 đàn, trở thành một trong số ít người có quy mô nuôi ong nội lấy mật lớn nhất ở huyện Tân Yên này.

Tính người, tính ong

Sinh năm 1966, sau khi xuất ngũ, năm 1987, ông Tiến xin vào làm việc tại Xí nghiệp Ong Hà Bắc. Do say mê với nghề, ông có nhiều tìm tòi sáng tạo, được vinh dự được kết nạp vào Đảng. Năm 1994, Xí nghiệp Ong Hà Bắc giải thể, nhiều người chuyển sang làm nghề khác, nhưng ông Tiến vẫn đam mê theo đàn ong đến tận bây giờ.

Cầu ong đang hình thành những tảng mật mới chuẩn bị cho thu hoạch.

Cầu ong đang hình thành những tảng mật mới chuẩn bị cho thu hoạch.

Qua 35 năm gắn bó với ong, ông Tiến đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý trong việc gây dựng, chăm sóc đàn ong để cho sản lượng mật lớn, chất lượng cao. Theo ông, nghề ong còn giúp bản thân rèn được nhiều đức tính quý, đó là cần cù lao động, sáng tạo và ý thức tổ chức kỷ luật cao. Đây cũng là những đặc tính nổi trội của loài ong.

– Có phải hiện nay nhiều vùng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đã hình thành, những người nuôi ong thoải mái đặt tổ? – Tôi gợi chuyện.

– Diện tích cây ăn quả nhiều nhưng nếu người nuôi ong không nắm chắc thời điểm các nhà vườn phun thuốc bảo vệ thực vật thì dễ khiến đàn ong bị chết hàng loạt do nhiễm độc – Ông Tiến đáp.

Theo ông, loài ong rất mẫn cảm với các loại thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ cần bén chút hóa chất là ong bị chết. Phạm vi bán kính lấy mật của ong trong khoảng 2 km. Bởi vậy, người nuôi ong phải thường xuyên thăm vườn, nắm bắt quá trình chăm sóc cây ăn quả của các chủ vườn để tránh ong bị nhiễm độc.

Khác với nhiều người nuôi ong lấy mật ở địa phương thường chỉ duy trì đàn tại một điểm nhất định, ông Tiến thường xuyên di chuyển đàn ong đi nhiều vùng trong, ngoài tỉnh. Chính vì thế, đàn ong của gia đình ông luôn khỏe mạnh, hầu như cho lấy mật quanh năm.

Thông thường, sau khi kết thúc mùa hoa vải, ông đưa đàn ong về vùng có nhiều hoa nhãn, bạch đàn; hết mùa hoa nhãn, bạch đàn, ông lại chuyển đàn ong lên những cánh rừng ở tỉnh Thái Nguyên để lấy mật hoa bồ đề; sau đó quay về tỉnh Lạng Sơn lấy mật hoa ngô, quất hồng bì và hoa rừng núi đá.

Có năm, ông đưa đàn ong lên tận miền cao tỉnh Hà Giang để lấy mật hoa cây bạc hà, một thứ mật vừa có nhiều dưỡng chất, vừa là vị thuốc quý chữa bệnh. Bởi thế, mật từ đàn ong do ông nuôi luôn bán được giá, dao động từ 200-500 nghìn đồng/lít, cao hơn các loại mật cùng chủng loại từ 50-100 nghìn đồng/lít. Với lượng mật ong thu được mỗi năm lên đến gần 1.000 lít, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Tiến thu về vài trăm triệu đồng.

Nghề nuôi ong mặc dù không vất vả nặng nhọc chân tay nhưng cần sự tỉ mỉ, sâu sát trong mỗi công đoạn, từ việc tạo cầu ong cho đến theo nguồn hoa. Nếu không chăm chút ong tốt thì chúng sẽ tự phá đàn bay đi.

Cuộc trò chuyện giữa tôi với ông Tiến thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại của “bạn ong” gọi đến khảo sát các đường hoa cho ong lấy mật. Người từ Lạng Sơn điện về, người từ Thái Nguyên điện đến… Thậm chí, có người tới tận vườn ong của ông để xin ong chúa về nuôi. Với họ, ông luôn ân cần chỉ dẫn, chia sẻ những kinh nghiệm quý trong nghề.

Ông Thân Hải Đăng, một chủ nuôi ong ở xã Việt Lập (Tân Yên) cho biết: “Đàn ong của gia đình tự dưng bay mất 2 con ong chúa. Nay tôi đến xin ông Tiến 2 con ong chúa mới để giữ lấy đàn. Chúng tôi luôn coi ông Tiến là “anh cả” cả về kỹ thuật nuôi ong đến tinh thần tương trợ, giúp nhau trong nghề”.

Nắng ban trưa trải dài trên những đồi vải thiều đang độ hoa nở rộ càng làm cho khung cảnh miền quê ở huyện Tân Yên – đất Cầu Vồng nổi tiếng năm xưa bừng lên sắc thắm. Cũng giống như đàn ong, ông Tiến vẫn cần mẫn nhấc từng cầu ong, kiểm tra, bổ sung tổ mới cho đàn ong tha mật bay về, tạo ra những dưỡng chất bổ dưỡng cho con người.

Nguồn: baobacgiang.com.vn