Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025

Lượt xem: 169

Theo Kế hoạch, giai đoạn 2021- 2025 ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang phát triển theo hướng sinh thái, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế. Ngành nông nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng ở nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể trong giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2-2,5%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao đạt 20%; tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ trên tổng diện tích đất nông nghiệp đạt 2,0%; tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước đạt 38,0%; giá trị sản xuất bình quân/ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 140 triệu đồng; giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản đạt 100 triệu USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 37,5%; tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt 70%; thu nhập của dân cư nông thôn tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020.

Để đạt được các mục tiêu của kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất về tính tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đến các cấp, các ngành, địa phương và người dân.

Nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tuyên truyền nội dung các cơ chế chính sách, đề án, dự án, mô hình sản xuất hiệu quả trong sản xuất, chế biến nông lâm nghiệp, thủy sản.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đã được Trung ương, tỉnh ban hành, đặc biệt là các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chính sách tập trung ruộng đất…

Đồng thời, thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các chính sách, đề án để hỗ trợ phát triển sản xuất tạo thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, chuyên canh, khuyến khích thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đầu tư vào nông nghiệp, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hưu cơ.

Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị; hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất, năng lực và vai trò các tổ chức hợp tác của nông dân trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi từ cung ứng dịch vụ đầu vào sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao theo định hướng quy hoạch kết hợp với các hình thức tổ chức tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản.