Bắc Giang: Nhân rộng mô hình chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp vùng đồng bào DTTS

Lượt xem: 143

Ngày 6/4, tại huyện Lục Ngạn, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân (HND) Việt Nam Đinh Khắc Đính làm trưởng đoàn về thăm, làm việc với HND tỉnh để triển khai Đề án “Xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng Chi HND nghề nghiệp, Tổ HND nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030”.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh uỷ và Huyện uỷ, UBND huyện Lục Ngạn.

Quang cảnh buổi làm việc

Tại Bắc Giang, thực hiện Nghị quyết số 04 – NQ/HNDTW, ngày 5/8/2019 của Ban chấp hành T.Ư HND Việt Nam (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng Chi HND nghề nghiệp, Tổ HND nghề nghiệp, Ban Thường vụ HND tỉnh đã chủ động xây dựng, ban hành các kế hoạch, đề án.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 32 Chi HND nghề nghiệp với 992 thành viên; 261 Tổ HND nghề nghiệp với gần 2,9 nghìn thành viên. Trong đó, có một số chi hội, tổ hội được thành lập ở vùng DTTS như: Chi hội “Trồng và chăm sóc cây có múi” thuộc xã An Lạc (Sơn Động); Chi hội “Trồng cây ăn quả” xã Phì Điền, xã Quý Sơn (Lục Ngạn)… Bước đầu các chi hội, tổ hội đã đi vào hoạt động nề nếp, phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập, tạo sự gắn kết giữa các thành viên.

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

tại thôn Trại Ba, Qúy Sơn, Lục Ngạn.

Cùng đó, các cấp HND tạo điều kiện cho thành viên thuộc chi hội, tổ hội tham gia vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tính riêng trên địa bàn huyện Lục Ngạn, hiện địa phương có hơn 50% dân số là đồng bào DTTS đã xây dựng được 2 chi HND nghề nghiệp. Các thành viên tham gia hoạt động đã liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo.

Thảo luận tại đây, các đại biểu đã tập trung vào các nội dung như: Việc xây dựng, phát triển chi, tổ HND nghề nghiệp nhất là ở các xã 135 trên địa bàn huyện Lục Ngạn rất khó khăn; quá trình hoạt động của các chi, tổ hội còn nhiều vướng mắc do nguồn nhân lực hạn chế, vai trò của người có uy tín, tiêu biểu chưa được phát huy cao; không có kinh nghiệm tổ chức, năng lực quản lý và điều hành của một số cán bộ làm công tác ở chi, tổ hội còn chưa đáp ứng với yêu cầu công việc được giao, các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất hạn hẹp…

Một số đại biểu kiến nghị, T.Ư HND Việt Nam quan tâm hơn nữa việc hỗ trợ thực hiện Đề án này tại Bắc Giang, phân bổ kinh phí, tập huấn khoa học kỹ thuật, làm mô hình điểm… để giúp địa phương học tập, nhân rộng. Đồng thời, mong muốn T.Ư HND Việt Nam là cầu nối với các doanh nghiệp liên kết thu mua, tiêu thụ nông sản cho bà con.

Qua nghe báo cáo, ý kiến của các đại biểu, đồng chí Đinh Khắc Đính ghi nhận và đánh giá cao việc triển khai Nghị quyết 04 của các cấp HND trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng DTTS. Tỉnh đã tập trung xây dựng mô hình giảm nghèo gắn với việc thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp khá hiệu quả. HND các cấp trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc tích cực, có nhiều cách làm phù hợp với từng địa phương. Qua đó HND tỉnh đã huy động được sự vào cuộc của hội viên trong việc triển khai Nghị quyết số 04 của Ban chấp hành T.Ư HND Việt Nam.

Thời gian tới, để việc thực hiện Nghị quyết 04 có hiệu quả hơn nữa, đồng chí Phó Chủ tịch T.Ư HND Việt Nam đề nghị các cấp HND tỉnh Bắc Giang tiếp tục quán triệt và thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của nghị quyết; lựa chọn những lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để thành lập chi, tổ hội; phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi. Đối với những kiến nghị, đề xuất của địa phương, T.Ư HND Việt Nam tiếp thu, sẽ nghiên cứu bố trí kinh phí giúp địa phương thực hiện Nghị quyết 04 hiệu quả.

Cùng ngày, đoàn công tác đã thăm một số mô hình sản xuất tiêu biểu của hội viên nông dân trên địa bàn huyện Lục Ngạn.

Nguồn: baobacgiang.com.vn