QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN- ĐÒN BẨY GIÚP NÔNG DÂN LÀM GIÀU

Lượt xem: 179

Quỹ Hỗ trợ nông dân (Quỹ HTND) là kênh dẫn vốn ưu đãi hiệu quả,  “gieo đồng vốn” giúp nhà nông, nhất là những nhà nông có ý chí làm giàu liên kết phát triển mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng.

Gieo đồng vốn” xây mô hình, nâng cao thu nhập

Mô hình ” Trồng và chăm sóc cây cam đường canh” xã Quý Sơn, Lục Ngạn được hỗ trợ

vốn vay từ nguồn Quỹ HTND

Quỹ HTND cho vay theo dự án nhóm hộ, ưu tiên các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao; mô hình tổ hội nông dân nghề nghiệp, chi hội nông dân nghề nghiệp; mô hình sản xuất các sản phẩm chủ lực đặc trưng, tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Kết hợp với hỗ trợ vốn, hội còn định hướng, tư vấn việc sử dụng nguồn vốn; cung cấp thông tin thị trường, giá cả sản phẩm; phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; vận động hộ vay tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị,… Hiện nay, Quỹ HTND toàn tỉnh đang thực hiện trên 230 dự án cho gần 2 nghìn hộ vay với tổng số tiền trên 56 tỷ đồng giải quyết việc làm cho trên 2300 lượt lao động. Các mô hình triển khai đạt hiệu quả và được nhân rộng, điển hình như: các mô hình trồng vải, cam, táo theo tiêu chuẩn VietGap ở huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế; mô hình “Nuôi dê thương phẩm và sinh sản” huyện Tân Yên, Yên Thế; mô hình “Nuôi cá nước ngọt thâm canh” tại huyện Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên; mô hình “Trồng hoa chất lượng cao” tại huyện Lạng Giang, TP Bắc Giang; mô hình trồng rau an toàn ở huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên…Các hộ tham gia mô hình đều đạt thu nhập cao, bình quân từ 200- 300 triệu đồng/năm, một số hộ trồng cây ăn quả thu nhập đạt hàng tỷ đồng/năm như các hộ tham gia mô hình “Trồng và chăm sóc cây cam đường canh” tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn bình quân đạt trên 2 tỷ đồng/năm, các hộ tham gia dự án “Nuôi dê sinh sản” tại xã Lan Giới, huyện Tân Yên đạt trên 500 triệu đồng/năm.

Cùng với nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp hội tăng cường hoạt động hỗ trợ vốn qua dịch vụ ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, tổng dư nợ ủy thác đạt 4.616.733 triệu đồng cho trên 63.700 lượt hộ vay; tổ chức cho hội viên, nông dân đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các mô hình sản xuất hiệu quả; đặc biệt tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới; hỗ trợ hội viên, nông dân mua máy móc nông nghiệp, vật tư, cung ứng trên 6.000 tấn phân bón trả chậm/năm… Hiệu quả sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND đã góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có trên 107 ngàn hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đã có trên 51 ngàn hộ nông dân thu nhập đạt mức trên 100 triệu đồng/năm, góp phần tích cực phát triển nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Chuyển đổi phương thức sản xuất

Quỹ HTND đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị. Thực hiện các dự án nhóm hộ cùng ngành nghề, mục đích kinh doanh đã liên kết các thành viên cùng trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ cây, con giống, vật tư, áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, hình thành các tổ hội nông dân nghề nghiệp, chi hội nông dân nghề nghiệp làm tiền đề thành lập các tổ hợp tác, HTX kiểu mới. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 261 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 32 chi hội nông dân nghề nghiệp, 191 tổ hợp tác, 48 hợp tác xã và 13 mô hình liên kết, hợp tác trong phát triển nông nghiệp. Điển hình như mô hình “Trồng và chăm sóc cây vải theo tiêu chuẩn VietGap” tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn đã thành lập mô hình “Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản”; với tổng số vốn 800 triệu hỗ trợ 13 hộ tham gia mô hình “Nuôi dê sinh sản” ở xã Lan Giới đã góp phần hình thành vùng nuôi dê tập trung của huyện với tổng đàn dê trên 1.500 con và thành lập HTX chăn nuôi dê; mô hình “Nuôi cá nước ngọt thâm canh” tại xã Đại Lâm (Lạng Giang) đã liên kết các hộ nuôi thủy sản hình thành vùng chuyên canh nuôi thủy sản của huyện với trên 20 ha và thành lập HTX thủy sản Đại Lâm… Một số HTX được thành lập từ mô hình Quỹ HTND hoạt động hiệu quả như HTX na dai Nghĩa Phương, HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền (Lục Ngạn), HTX sản xuất, tiêu thụ dê và ong mật Hồng Kỳ (Yên Thế),…

Hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND thực sự là ” đòn bẩy”, là ” điểm tựa ” giúp nông dân làm giàu. Trong thời gian tới, Quỹ HTND tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng hành cùng các nhà nông ” 5 tự, 5 cùng” xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh gắn với phát triển tổ hội nông dân nghề nghiệp, chi hội nông dân nghề nghiệp làm tiền đề hình thành các tổ hợp tác, HTX kiểu mới. Các cấp hội tiếp tục phối hợp với chính quyền cùng cấp thực hiện có hiệu quả Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ./.

Sơn Hải