TĂNG CƯỜNG SỰ PHỐI HỢP GIỮA HỘI NÔNG DÂN VÀ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TRONG ĐÀO TÀO, BỒI DƯỠNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ HỘI CƠ SỞ
30/08/2017 08:43
Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, hàng năm Hội Nông dân tỉnh đều tiến hành khảo sát nắm nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ cơ sở hội làm căn cứ xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và định hướng nội dung bồi dưỡng cho Hội Nông dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Đồng thời, các cấp hội chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu cho cấp ủy, phối hợp mở từ 01-02 lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hội; cử cán bộ học cao cấp, trung cấp lý luận chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn và kiến thức quản lý nhà nước. Riêng Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mỗi năm mở 02 -04 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch Hội Nông dân cơ sở, cán bộ chuyên trách Hội Nông dân các huyện, thành phố. Đặc biệt, Hội đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và Trường cán bộ Hội Nông dân Việt Nam mở 01 lớp Trung cấp Công tác xã hội chuyên ngành công tác Hội Nông dân cho 72 cán bộ Hội Nông dân cơ sở; 01 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội thời gian 01 tháng cho 70 cán bộ hội cơ sở. Mặt khác, Hội cũng luôn xác định trách nhiệm của cán bộ phải tích cực, chủ động học tập, nâng cao trình độ mọi mặt góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ hội nông dân ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Với kế hoạch phối hợp rõ ràng, phương pháp và nội dung bồi dưỡng linh hoạt, phong phú kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, cùng với đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, điều kiện cơ sở vật chất được tăng cường, các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã giúp đội ngũ cán bộ hội cập nhật kiến thức cơ bản, những vấn đề mới trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nắm bắt kịp thời tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh, của địa phương; nâng cao kiến thức, nghiệp vụ công tác hội và vận dụng phù hợp vào hoạt động hội nhất là việc xử lý những tình huống, những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Khai giảng lớp tập huấn năm 2017
Nhờ làm tốt công tác phối hợp đào tào, bồi dưỡng nên trình độ của đội ngũ cán bộ hội nông dân các cấp những năm qua không ngừng được nâng lên. Cụ thể, trong 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức cho hơn 1.150 lượt cán bộ cơ sở hội được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác Hội. Hội Nông dân các huyện, thành phố phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng Chính trị tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho hàng nghìn cán bộ cơ sở và chi hội. 100% cán bộ chủ chốt Hội Nông dân huyện, thành phố có trình độ chuyên môn đại học và sau đại học; 57,5% cán bộ chủ chốt cơ sở hội có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học; 81,4% cán bộ chủ chốt hội nông dân cơ sở có trình độ trung cấp lý luận chính trị; 100% cán bộ chuyên trách các cấp hội và cán bộ chủ chốt cơ sở hội được nâng cao kiến thức quản lý nhà nước; trên 50% cán bộ chủ chốt của Hội tham gia cấp ủy các cấp…Qua đó, từng bước khẳng định và nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ hội cơ sở trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp, đào tào bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội nông dân cơ sở giữa hai ngành còn một số hạn chế cần khắc phục như: thời gian tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ hội nông dân cơ sở thường trùng với thời gian mùa vụ thu hoạch cây ăn quả do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng, chất lượng học viên; công tác quản lý học viên chưa chặt chẽ; số lượng học viên tham dự một lớp tương đối đông, trình độ chuyên môn không đồng đều; chế độ hỗ trợ học viên còn thấp…
Các học viên tại lễ nhận bằng tốt nghiệp
Trong điều kiện hiện nay, khi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang diễn ra mạnh mẽ, thực tiễn đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng mới. Quán triệt sâu sắc các quan điểm cơ bản về công tác cán bộ của Đảng gắn với thực tiễn biến đổi có tính cách mạng của nông nghiệp, nông thôn và phong trào nông dân, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội nông dân nói chung và cán bộ cơ sở hội nói riêng phải từng bước đổi mới để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Do đó, công tác phối hợp giữa Hội Nông dân và Trường Chính trị tỉnh trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội cơ sở cần phải nâng cao hiệu quả trên cả phương diện chiều rộng và chiều sâu. Để thực hiện được điều đó, hai ngành cần tăng cường phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 2045/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó các cấp Hội cần thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức Hội Nông dân các cấp, nhất là cán bộ cơ sở hội tích cực tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu công tác Hội Nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
2. Hàng năm, các cấp Hội phải tham mưu cho cấp ủy, chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp phù hợp tránh thời gian mùa vụ; rà soát, lựa chọn, đề xuất cán bộ hội tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ công tác hội, chức danh, quản lý nhà nước, tập huấn chuyên đề bảo đảm chuẩn theo quy định.
3. Rà soát, phân luồng trình độ đội ngũ cán bộ hội cơ sở bảo đảm sự tương đồng về nhận thức trong mỗi lớp bồi dưỡng, trên cơ sở đó xây dựng nội dung, đề ra phương pháp giảng dạy phù hợp, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng, hài hòa giữa các nhóm kiến thức mới, kiến thức kỹ năng và kiến thức thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng.
4. Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng thiết thực, sát với đối tượng và mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng. Các nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ hội theo phương châm gắn lý luận với thực tiễn, phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác của học viên và quan trọng là giúp học viên vận dụng phù hợp kiến thức đã học vào thực tiễn công tác hội.
5. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, hiện đại.
6 . Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng và có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà trường với các đơn vị trong suốt quá trình trước, trong và sau khi có cán bộ được cử đi học tại trường nhất là trong việc đánh giá kết quả học tập và quản lý học viên.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác xây dựng hội vững mạnh. Xây dựng được đội ngũ cán bộ hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có kiến thức và năng lực quản lý, điều hành, có kỹ năng hoạt động thực tiễn về công tác hội sẽ bảo đảm hoạt động hội và các phong trào nông dân phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Chính vì vậy, công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội nông dân đang đặt ra yêu cầu cấp bách, đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc tích cực của hai ngành trong các khâu cũng như quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng.
Leo Thị Lịch – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh