Phong cách Hồ Chí Minh qua những lần Bác về thăm, làm việc với Bắc Giang

Lượt xem: 190

Vinh dự và tự hào cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt và tình cảm sâu sắc. Người nhiều lần về thăm, nói chuyện, huấn thị, viết thư thăm hỏi, khen ngợi, viết báo, khen thưởng, tặng huy hiệu cho những tập thể và cá nhân có những thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất và chiến đấu. Qua đó Bác đã để lại nhiều dấu ấn, kỉ niệm sâu đậm trong lòng cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là về phong cách người cán bộ cách mạng.

Bác nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc, tháng 10 năm 1963

1. Phong cách giản dị, quần chúng, ứng xử tinh tế

Không giống với phong cách của nhiều nhà lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia từ Đông sang Tây, cổ đến kim (trừ lúc vi hành) là hễ về địa phương làm việc, xuống với dân, đi cơ sở là gióng trống mở cờ, loan báo rộng rãi, yêu cầu tổ chức đón tiếp trọng thị… với Bác việc này nhiều lúc diễn ra âm thầm, lặng lẽ, kín đáo, bình dị coi như một việc thường tình, việc của công bộc tận tụy.

Chính vì lẽ đó mà vào mùa hè năm 1946 Bác về thăm Bắc Giang, khi xe ô tô đến tận trụ sở Ủy ban Hành chính tỉnh các cán bộ phụ trách ở đây vẫn đang thảo luận công việc cần kíp. Biết Bác về thăm, đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính bất ngờ, lúng túng, xúc động, reo lên: Bác Hồ đến!.. Hướng về phía Hồ Chủ tịch, đồng chí nói: Dạ, thưa Bác! Mời Bác vào trong nhà nghỉ ạ! Bác đã đáp lại bằng một câu rất đời thường, giản dị: “Các chú đang họp cứ để mặc Bác! Nói rồi, Hồ Chủ tịch thong thả đi xuống thăm nhà bếp, nhà vệ sinh, hỏi han sức khỏe và chế độ sinh hoạt của những người phục vụ. Sau đó, Hồ Chủ tịch lên ô tô đi thăm bộ đội ở trại Vệ quốc đoàn, Trường trung học Hoàng Hoa Thám, Bệnh viện Bắc Giang rồi mới trở lại trụ sở Ủy ban.” (1).

Trong đợt Bác về thăm Bắc Giang 06/4/961, Bác đã thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ hỏi thăm đồng bào và cán bộ các dân tộc, hỏi thăm các đồng chí bộ đội, công an, dân quân tự vệ, hỏi thăm công nhân các xí nghiệp, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên, nhi đồng, kiều bào mới về nước, cảm ơn các đồng chí chuyên gia Trung Quốc. Đợt này Bác đã đến thăm xã Tân An, huyện Yên Dũng, đến một số nhà trong xã Bác đã thăm giếng nước ăn, ân cần hỏi thăm sức khỏe, đời sống, công việc làm ăn, học hành của đồng bào. Ông Hà Văn Quách người cao tuổi còn nhớ và kể lại hình ảnh Bác về thăm trong sự vui mừng, phấn khởi của ngót 3000 xã viên: “Đến giờ tôi vẫn nhớ cảm giác hồi hộp của mình và không quên được hình ảnh Bác với bộ quần áo nâu và chiếc áo khoác ngoài bằng vải bông xanh giản dị. Đến đầu làng, bên cổng xây bằng gạch, hai nữ dân quân là Nguyễn Thị Nghi, Đoàn Thị Dinh bồng súng chào Bác, Bác tươi cười soa đầu hai nữ dân quân và hỏi: “Các cháu là nữ dân quân! Tập quân sự các cháu bắn bia trúng được mấy viên đạn?” (2).

Bác Hồ về thăm xã Tân An (Yên Dũng) tháng 4 năm 1961

Luôn là như thế, trong mỗi dịp về thăm Bắc Giang, điều mà Bác quan tâm, động viên, thăm hỏi trước hết vẫn là những thứ rất đời thường, rất thiết yếu của cuộc sống con người như cơm ăn, nước uống, sức khỏe, bệnh tình, học hành, công việc. Ông Hà Văn Quách là một trong năm người đại diện tỉnh Bắc Giang ra Hà Nội dự hội thảo “Về nguồn với Bác Hồ” cùng với 600 đại biểu toàn quốc. Ấn tượng sâu đậm về Bác, ông nói: Với tôi những ấn tượng tốt đẹp về Người vẫn còn đọng lại mãi. Phong thái giản dị, gần gũi, lời nói chân thành, dễ hiểu của Bác đi sâu vào lòng người…Được gặp và nghe Bác nói chuyện tôi đã học được ở Bác sự ân cần, giản dị, từ đó trong quá trình công tác luôn chú ý lắng nghe và phát huy tinh thần phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, không toan tính, vụ lợi cá nhân” (3).

Luôn lo lắng, quan tâm đến mọi người nhưng với bản thân thì Bác lại như chẳng muốn phiền hà đến ai, phong cách thì giản dị, không chễm trệ, không quan cách, luôn phóng khoáng: “Ăn xong bữa trưa, Hồ Chủ tịch ra gốc bàng ngồi nghỉ. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban mang ghế mời Bác ngồi, Bác xua tay: Thôi! Chả cần. Cứ ngồi xuống đây làm việc cho tiện ! Thế là ngay dưới gốc bàng, giữa trưa hè nóng bức, Bác cháu cùng ngồi thảo chương trình làm việc cho buổi chiều” (4). Dịp Bác về làng kháng chiến Long Trì, xã Tân An sau khi thăm một số gia đình, trời vẫn mưa, đường trơn, đến ruộng rau xanh nhà ông Hà Văn Đô, Bác xuống bờ Hồ Long Trì rửa chân và đôi dép cao su. Một đồng chí đi theo định rửa chân cho Bác, nhưng Bác gạt đi: “Chú cứ để Bác tự rửa lấy” (5). Về Long Trì, “Bác không đi theo con đường xã hướng dẫn, Bác đi tắt qua giếng nước vào nhà cụ Thực, rẽ lối vườn sau lên nhà cụ Hồng. Bác thăm giếng nước, chuồng lợn… khi Bác quay ra, dân làng vây quanh ngăn lối, Bác bảo mọi người xếp hàng hai, Bác vòng một lượt bắt tay từng người, sau đó lên xe ra địa điểm nói chuyện” (6).

Bà Nguyễn Thị Song sinh 1943 ở thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa- với thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1966. Tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc, bà được gặp Bác Hồ, bà Song xúc động kể: “Được nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt khiến tôi vô cùng xúc động. Ngoài sức tưởng tượng của tôi, Bác thật giản dị, hiền từ, dễ gần… Trong lúc trò chuyện, Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe và hỏi chúng tôi: “Các cháu làm như thế nào mà các cháu là anh hùng?” Chúng tôi chẳng ai bảo ai đồng thanh đáp: Thưa Bác, thành tích này là của đảng bộ, của nhân dân ạ!” (7).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ dự Hội nghị tổng kết công tác cải cách ruộng đất đợt 2 của đoàn Bắc Giang và đồng bào xã Trung Nghĩa (sau cải cách ruộng đất chia thành 2 xã: Mai Trung và Xuân Cẩm), huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (ngày 08/02/1955)

Đó là những cử chỉ, việc làm, lời nói mang phong cách Hồ Chí Minh, một phong cách giản dị, quần chúng, dân chủ toát ra một cách tự nhiên, lôi cuốn, hấp dẫn và lan tỏa. Phong cách ấy toát ra bên ngoài không hẳn ai cũng có, nó là sản phẩm của sự chuyển hóa từ bên trong của một nhân cách lớn, một trí tuệ lớn, một trái tim nhân hậu, đức độ bao la.

2. Phong cách nhân văn thấm đẫm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân

Cách ứng xử, giao tiếp của Bác luôn tạo ra cho mọi người cảm giác gần gũi, thân mật, vui vẻ, xóa đi khoảng cách của một nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu một đất nước với những người dân thường, người lao động, từ lời nói đến cử chỉ đều khiến cho thiếu niên, nhi đồng, phụ nữ, phụ lão cảm thấy xúc động. Sự ứng xử luôn đầy chất nhân văn, tinh tế vừa bao quát vừa cụ thể lại rất thiết thực cho đồng bào. Dù là trong lời nói, việc làm, hay cử chỉ nho nhỏ của Bác dành cho mỗi người, hay trước cả đám đông thì đều chứa chan tình yêu thương, lo lắng cho đồng bào, mang thông điệp vì dân sâu nặng.

Thật khó mà thống kê đầy đủ số lần, câu chữ “nhân dân, đồng bào, quần chúng” mà Bác vẫn thường xuyên dùng đến, nhắc đến khi viết thư, làm thơ, viết báo, huấn thị đối với cán bộ làm cách mạng. Cả cuộc đời của Bác vì dân, vì nước. Nhân dân, đồng bào, quần chúng nói gọn lại thành một chữ thì là chữ “dân”, với Bác ở mọi nơi, mọi lúc và trọn cả cuộc đời đều là vì dân. Tư tưởng vì dân của Bác luôn gắn chặt trong máu thịt, nằm trong suy nghĩ, trong lời nói hàng ngày, cũng vì thế mỗi khi về thăm, nói chuyện, hay qua thư, báo dành cho Bắc Giang trong Bác luôn tỏa sáng một phong cách đầy nhân văn, tinh thần trọng dân, vì dân, yêu dân. Điều đó khiến cán bộ, nhân dân Bắc Giang luôn khắc nghi, tưởng nhớ sâu nặng và luôn ra sức học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người !

Trong bài nói chuyện ở Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt II của Đoàn Thái Nguyên – Bắc Giang, trong khi huấn thị cán bộ Bác đã nói: “Nếu cán bộ không phục vụ nhân dân thì phục vụ ai ? Muốn phục vụ nhân dân thì phải đi đến nhân dân mà phục vụ; tuyệt đại đa số nhân dân là nông dân lao động. Vì vậy muốn phục vụ nhân dân thì phải về nông thôn. Phục vụ nhân dân mà không vẻ vang, thì cái gì là vẻ vang ? Được phục vụ nhân dân là rất vẻ vang. Chúng ta đều là đày tớ nhân dân, phải hết sức phục vụ nhân dân…” (8). Bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Bắc Giang ngày 6 tháng 4 năm 1961, phần về cán bộ và đảng viên Bác đã nói: “Đảng ta là Đảng lãnh đạo cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Vì vậy cán bộ và đảng viên phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, phải là người đầy tớ hết sức trung thành của nhân dân” (9). Tháng 2 năm 1967 đúng vào ngày mồng 1 tết Đinh Mùi Bác về thăm Hà Bắc. Trong khi nói chuyện với các đại biểu ở sân chùa, Bác đã thay mặt Trung ương, Chính phủ mừng tết toàn thể đồng bào, bộ đội, các cháu thanh thiếu niên tỉnh Hà Bắc, dừng lại một lát “Bác yêu cầu Tỉnh ủy báo cáo rõ tên 15 dân tộc trong tỉnh nhà, Bác gọi tên từng dân tộc và yêu cầu đại biểu từng dân tộc đứng lên để Bác nhìn rõ mặt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc tết cán bộ, công nhân Việt Nam cùng chuyên gia Trung Quốc ở công trường khôi phục đường xe lửa Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang sáng ngày 1 tết Nguyên đán Ất Mùi (24/01/1955)

Qua nhiều lần Bác về thăm cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Giang, có rất nhiều những kỉ niệm đẹp được đồng bào, chiến sĩ, cán bộ lưu giữ, khắc ghi trong tâm trí và truyền đạt lại cho thế hệ con cháu sau này. Trong một bài viết ngắn ngủi, thật khó mà kể hết những câu chuyện đầy tính nhân văn, mang đậm phong cách Hồ Chí Minh. Với tất cả những điều tốt đẹp mà Bác đã dành cho Bắc Giang và Bắc Giang đối với Bác Hồ, có thể ngắn gọn lại rằng phong cách mẫu mực, hiền từ, giản dị, dân chủ, quần chúng, vì dân của Bác đã lan tỏa đến mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân Bắc Giang, biến thành động lực thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân Bắc Giang ra sức thi đua yêu nước, lao động, sản xuất, chiến đấu giỏi, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tri ân, tưởng nhớ sâu sắc công lao, tình cảm mà Bác đã dành cho đồng bào cả nước, cho cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm, quyết tâm thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phấn đấu xây dựng Bắc Giang trở thành địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

tuyengiao.bacgiang.gov.vn

——————–

(1),(2),(3),(4),(5),(6),(7),(8),(9) Tỉnh ủy Bắc Giang – Ban Tuyên giáo (2013): Bác Hồ với Bắc Giang, Bắc Giang với Bác Hồ, tr. 144; 271; 274-275; 144; 273; 345; 293; 154-155; 177.