Cán bộ Hội năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm
03/05/2017 06:48
Là người làm nông nghiệp, lại là “thủ lĩnh” nông dân, hơn ai hết anh Vân hiểu những khó khăn mà người nông dân đang gặp phải: sản xuất nông nghiệp bấp bênh đầu ra không ổn định, cấy lúa thu nhập thấp… diện tích đất ruộng vì thế mà bị bỏ hoang nhiều. Làm thế nào để cải thiện thu nhập cho người dân để họ thực sự có thể làm giàu trên đồng ruộng? Đó là câu hỏi thường trực khiến anh Vân đau đáu trong lòng.
Trong một chuyến đi thăm bà con ở Đà Lạt – vùng trồng hoa lớn nhất cả nước, anh thấy ở đây bà con trồng hoa Dơn nhưng đồng thời phải sản xuất giống, trong khi chi phí sản xuất rất lớn: thuê đất trồng đắt, phân hữu cơ phải nhập từ Bình Thuận, khí hậu nắng gió nên phải tưới nhiều, đất sản xuất lâu năm ẩn chứa nhiều mầm bệnh… Trao đổi với những người sản xuất giống hoa ở đây, anh nhận thấy nếu giống hoa Dơn được sản xuất ở quê anh thì sẽ có rất nhiều thuận lợi về đất, nước, phân bón, giảm được nhiều chi phí… Với suy nghĩ đó, anh đã mua giống về gia đình trồng thí điểm, vừa trồng vừa nghiên cứu kỹ thuật vừa đúc rút kinh nghiệm. Sau một vụ sản xuất, anh vui mừng vì không những cây phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của quê hương mà chất lượng giống còn vượt trội so với giống sản xuất tại Đà Lạt, dễ tiêu thụ. Thời gian sản xuất giống khoảng 5 tháng, sau khi trừ toàn bộ chi phí, mỗi sào Bắc bộ mang lại lợi nhuận 10 triệu đồng/vụ.
Nhận thấy hiệu quả và nhận định sẽ là hướng đi mới cho bà con nông dân, anh cho họp Ban Chấp hành, xin ý kiến Đảng ủy thành lập mô hình sản xuất giống hoa Dơn tại Hoàng Vân. Ban đầu để mọi người mạnh dạn tham gia, anh đứng ra bao tiêu cho bà con vay giống (bao giờ thu hoạch hoàn trả lại), đồng thời chịu trách nhiệm về kỹ thuật, định hướng đầu ra cho sản phẩm. Với uy tín của mình và hiệu quả từ trồng thí điểm, 27 hộ nông dân đã tham gia trên trên 03ha diện tích. Mô hình bắt đầu triển khai từ tháng 8/2016 và đến nay đã cơ bản thu hoạch xong.
Một góc mô hình
Qua trao đổi, anh cho biết, năm 2017, Hội Nông dân xã đã và đang triển khai mô hình lên đến 10ha với quy mô ở cả 06 thôn trên toàn xã, tập trung trọng điểm tại thôn Vạn Thạch làm khu trình diễn tập trung. Đồng thời, dự tính xây dựng 01 kho lạnh có dung lượng khoảng 50m3 để bảo quản và chủ động duy trì giống gốc cho vụ sau, giảm chi phí cược vận chuyển giống gốc từ Đà Lạt ra.
Không chỉ vậy, để cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm truyền thống bánh trưng Vân, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, đảm bảo thay đổi chân ruộng, hạn chế mầm bệnh, anh vận động bà con trong mô hình cho sản xuất một vụ lúa nếp cái hoa vàng vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 9, còn từ tháng 10 đến tháng 4 sản xuất giống hoa Dơn. Đồng thời, gia đình anh tiếp tục trồng thử nghiệm 1 sào giống hoa Dơn được nhập từ Pháp, nếu hiệu quả sẽ triển khai đại trà.
Bằng những việc làm cụ thể, sự năng động, sáng tạo dám nghĩ dám làm, dưới sự dẫn dắt của anh, nhiều năm liền Hội Nông dân xã Hoàng Vân luôn là đơn vị đi đầu của huyện Hiệp Hòa. Đặc biệt năm 2016, anh vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành xuất sắc trong công tác hội và phong trào nông dân.
Phùng Vị – HND tỉnh