Thương lượng bất thành, nông dân Cần Giờ kiện Vedan ra tòa

Lượt xem: 114

Ông Yang Kun Hsiang, Tổng giám đốc Công ty Vedan cho rằng: Các tài liệu từ phía huyện Cần Giờ chỉ mang tính tham khảo. Đồng thời, đây là bản tiếng Việt nên Vedan cần thêm thời gian để dịch sang bản ngữ để nghiên cứu.

Luật sư của Công ty Vedan cho biết, đã tham khảo các nghiên cứu của Viện Tài nguyên – Môi trường; Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 về mật độ cá trên sông Hồng và sông Mê Kông bằng cách lấy sản lượng cá trên sông Mekong (30 tấn/km2) và Sông Hồng (14,79 tấn/km2) để suy ra sản lượng cá trên sông Thị Vải. Qua đó, Vedan đưa ra con số hỗ trợ thiệt hại ở mức từ 12 tỷ – 20,9 tỷ đồng chứ không thể cao như con số mà UBND huyện Cần Giờ đã nêu ra.

Với cách tính sản lượng cá trên sông Thị Vải như trên của Vedan, ông Đoàn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ – bác ngay: “Sản lượng cá mà người dân đưa ra (4.000 tấn/năm) đã được Tổng cục Thống kê công nhận, nhưng Vedan lại không chịu mà cứ suy diễn vô căn cứ như vậy là không thể chấp nhận”.

Ngay lập tức, Vedan định giá đền bù là 16 tỉ đồng nhưng Hội Nông dân TPHCM không đồng tình và đề nghị kết thúc cuộc họp.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM: “Đã đến lúc Vedan phải trả giá cho hành vi vi phạm của mình”.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM cho biết: “Hiện tất cả thủ tục pháp lý và chứng cứ khởi kiện đã được chuẩn bị hoàn tất. Hội đã thông báo đến Tòa án Nhân dân huyện Cần Giờ chuẩn bị lực lượng để kiểm tra tiếp nhận hồ sơ. Số tiền nông dân huyện Cần Giờ khởi kiện buộc Vedan bồi thường là 107 tỉ đồng (giá thương lượng là 45,7 tỉ đồng). Án phí vụ kiện là 107,5 triệu đồng UBND huyện Cần Giờ sẽ lo hết cho người dân”.

Ông Phụng cho biết thêm, ngoài 107 tỉ tiền bồi thường thiệt hại cho nông dân, công ty Vedan còn phải đối diện với hàng loạt các cáo buộc về: ô nhiễm dòng chảy; hủy hoại môi sinh (đền bù thiệt hại bằng tiền theo đơn giá 45.000 đồng/kg sản vật trên sông đã thống nhất giữa 2 bên); sức khỏe dân cư hiện hữu; biến động diện tích sản xuất; trách nhiệm chủ thể gây ô nhiễm,…

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban tuyên truyền Hội luật gia TPHCM cho biết, suốt 1 tháng qua, 836 nông dân thuộc 3 xã Thạnh An, Long Hòa và Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) đã thực hiện xong các thủ tục kiện Vedan. Theo luật tố tụng thì Hội Nông dân TPHCM và UBND huyện Cần Giờ sẽ thống nhất lựa chọn các luật sư đại diện ủy quyền nông dân tham gia tố tụng tại phiên tòa sắp tới.

Như vậy, trong số 3 tỉnh thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp do ô nhiễm từ việc xả thải của Công ty Vedan thì có 2 tỉnh thành là TPHCM và Bà Rịa – Vũng Tàu chính thức hỗ trợ nông dân khởi kiện Vedan.

Theo dantri.com.vn