Chống tham nhũng thế nào khi xã hội không biết xấu hổ?
12/11/2010 01:27
Diễn ra trong 4 ngày (10 – 13/11) với 4 phiên họp toàn thể và khoảng 40 phiên thảo luận nhóm, những người muốn học hỏi kinh nghiệm chống tham nhũng tha hồ loay hoay, bởi ngày làm việc nào cũng kéo dài đến tối muộn. Cùng một thời điểm, có đến 5, 7 phiên thảo luận nhóm về đủ mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục… Tất cả đều được soi chiếu ở lăng kính của tham nhũng.
Bởi thế, hoàn toàn vắng bóng những “thành tựu” kinh tế đáng tự hào, những lợi nhuận khổng lồ, những mức thu nhập bình quân đầu người đứng nhất, nhì thế giới. Mọi người có mặt ở hôi nghị dù đến từ những nền kinh tế lớn nhất như Mỹ, Nhật Bản, nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc, hoặc những nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi đều chia sẻ những bất an, với ít điểm sáng trong công cuộc phòng chống tham nhũng của quốc gia mình.
Cam kết chính trị chống tham nhũng của Thủ tướng Thái Lan và lãnh đạo các tổ chức quốc tế |
Điểm nhấn của hội nghị lần này là cách tiếp cận đa chủ thể, đa quốc gia, khi tham nhũng không thể chỉ giải quyết do nỗ lực của chính phủ, trong nội bộ của từng quốc gia được nữa.
Ở góc độ mỗi quốc gia, đã thưa dần những tiếng trách móc chính phủ thiếu nỗ lực trong công cuộc chống tham nhũng, khi các tổ chức xã hội sẵn sàng đóng vai trò quyết định cùng với khu vực tư nhân và cộng đồng, nỗ lực trong việc tạo áp lực cho hệ thống chính trị thừa nhận mức độ tham nhũng và cam kết chống tham nhũng.
Nói như GS Pakdee Pothisiri (Ủy ban chống tham nhũng quốc gia – Thái Lan), trong những vụ hối lộ xuyên quốc gia đang bị phanh phui ngày càng nhiều, quan chức chính phủ của các nước đang phát triển là người nhận hối lộ, còn các công ty của các nước phát triển là người đưa hối lộ để lấy được những hợp đồng, dự án quan trọng. “Một vụ hối lộ cụ thể sẽ không thể được điều tra, vấn nạn hối lộ đa quốc gia sẽ không thể được giải quyết nếu thiếu sự bắt tay của hai chính phủ, vượt qua sự khác biệt trong hệ thống pháp luật”, ông nói.
Chính phủ các nước phát triển nhất – kể cả Mỹ – bị “buộc tội” ủng hộ tham nhũng bên ngoài đất nước khi không phản đối, thậm chí khuyến khích các công ty của họ kiếm lợi nhuận khổng lồ, dù điều đó đồng nghĩa với tham nhũng, với việc tàn phá nguồn tài nguyên thiên nhiên của các nước nghèo.
Tuy đa số đại biểu tham dự đều rất quyết tâm thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình như những công cụ chống tham nhũng hiệu quả, nhưng dường như không có nhiều bước tiến, khi nhiều phiên thảo luận nhóm vẫn là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm của các diễn giả trong những dự án bước đầu thành công. Một dự án hỗ trợ minh bạch trong hoạt động xây dựng đang được tiến hành tại Việt Nam, dự án xếp hạng ngẫu nhiên 42 trường đại học công tại Romania từ 0 đến 5 sao theo mức độ tham nhũng vừa kết thúc (trong đó chỉ có 3 trường đạt 4 sao, 6 trường bị 0 sao)…
Nhưng đó vẫn chỉ là “Hãy làm điều tốt nhất có thể“.
Một đại biểu đến từ Philippines không ngần ngại đưa ra lời bình luận hóc búa: “Chúng ta nói rất nhiều về minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhưng đó là với những xã hội còn có lòng tự trọng. Còn với những xã hội “không còn biết xấu hổ”, điều gì sẽ xảy ra nếu không chỉ chính phủ, khối tư nhân dính vào tham nhũng, mà cả các tổ chức xã hội cũng tham nhũng? Chúng ta cần nhiều hơn sự thúc ép từ các phía, cả trong nước lẫn từ quốc tế“.
Một trong những “phía” ấy có thể từ chính những người trẻ tuổi trong mỗi quốc gia, như thông điệp của Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva trong phát biểu khai mạc hội nghị: “Những người trẻ tuổi sẽ có hệ giá trị riêng của họ. Hãy cùng họ tạo ra hệ giá trị đúng, trong đó không có chỗ cho tham nhũng“.