Lạng Giang đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Lượt xem: 146
Ảnh minh họa: BGP/An Nhiên

Để đẩy mạnh sản xuất, huyện xây dựng, ban hành các cơ chế, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp; đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất; tổ chức liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh công tác phòng trừ dịch bệnh, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.

Đồng thời khai thác các tiềm năng, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, huyện có cơ chế hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quan tâm triển khai thực hiện chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm”, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh.Huyện đã hỗ trợ xây dựng 17 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phối hợp với tỉnh hỗ trợ xây dựng 11 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng được 07 sản phẩm OCOP 03 sao, mang lại hiệu quả kinh tế cao (rau chế biến, nấm, đông trùng hạ thảo…).

Thời gian tới, huyện Lạng Giang tập trung triển khai thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất; xây dựng cánh đồng mẫu, áp dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất. Quy hoạch và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như: Vùng sản xuất rau tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm với diện tích 100 – 150 ha (Vôi, Kép, Hương Lạc, Mỹ Thái, Quang Thịnh); vùng nuôi trồng thủy sản (Xuân Hương, Thái Đào, Đại Lâm, Mỹ Thái); vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung diện tích 280 ha (Quang Thịnh, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng, Đào Mỹ, Tiên Lục, Hương Sơn); từng bước xây dựng thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp như: Rau củ quả, hoa, nấm, cam, bưởi, lúa chất lượng,…; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, huyện có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ phát triển đối với các sản phẩm chủ lực. Tăng cường đầu tư hạ tầng khu vực nông thôn. Thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách về tín dụng ưu đãi phát triển nông nghiệp – nông thôn; thực hiện tốt liên kết “4 nhà”; tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hàng nông sản; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất. Quan tâm hỗ trợ phát triển các loại hình HTX; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; thực hiện lồng ghép các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo bền vững./.

Nguồn: bacgiang.gov.vn