Những lưu ý căn bản về chăn nuôi an toàn sinh học

Lượt xem: 145

Ở ĐBSCL,từ kinh nghiệm vượt qua những dịch bệnh trên đàn gia, súc gia cầm (GSGC), nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn vẫn trụ vững, an toàn.

Theo cán bộ kỹ thuật chi cục chăn nuôi và thú y các tỉnh trong vùng, nhờ áp dụng triệt để biện pháp an toan sinh học trong chăn nuôi nên tỷ lệ rủi ro tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn rất thấp và hầu như không bị thiệt hại.

Từ sau dịch tả heo Châu phi, các tỉnh trong vùng ĐBSCL khuyến cáo tái thiết đàn heo, thực hiện quy hoạch khu chăn nuôi xa khu dân cư đô thị. Trong đó thực hành ATSH là điều kiện tiên quyết trong phát triển chăn nuôi công nghiệp hiện đại.

Chăn nuôi an toàn sinh học không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn cho sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm. Ảnh: HĐ.

Chăn nuôi an toàn sinh học không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn cho sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm. Ảnh: HĐ.

Giải pháp kỹ thuật mới

An toàn sinh học (biosafety-ATSH) là sự bảo vệ tính toàn vẹn sinh học. Mô hình ATSH là biện pháp giảm bớt nguy cơ nhiễm bệnh và lây lan các loại mầm bệnh. Áp dụng ATSH trong chăn nuôi nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm cho năng suất cao hơn, để không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm.

Để đảm bảo ATSH, cần thực hiện tốt 2 vấn đề chính: Giữ cho cơ sở chăn nuôi không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các nguồn gây dịch bệnh. Đồng thời nâng cao khả năng chống bệnh của vật nuôi bằng cách chăm sóc nuôi dưỡng, phòng ngừa dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.

Quản lý đàn vật nuôi: Bệnh truyền nhiễm có thể lây lan trực tiếp từ con vật mang mầm bệnh sang con vật chưa mắc bệnh. Có 4 chỉ dẫn chung để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập trong trại, đó là đóng kín đàn vật nuôi, cách ly, nguồn gốc vật nuôi và kiểm tra thú y, cách chọn giống và những yếu tố liên quan.

Đóng kín đàn vật nuôi: Tự túc về con giống, không cho vật nuôi tiếp xúc qua hàng rào với động vật bên ngoài. Không cho con đực hoặc người gieo tinh từ ngoài vào để phối giống. Không đưa vật nuôi ra ngoài trại rồi lại đưa vào. Không nuôi chung nhiều lứa, nhiều giống và vật nuôi có nhiều độ tuổi khác nhau trong cùng một dãy, chuồng.

Trong cùng một dãy nên thực hiện nguyên tắc “cùng nhập, cùng xuất”, không nuôi gối đầu, luân chuyển trong một khu chuồng. Đối với sản phẩm gia súc, gia cầm cần kiểm tra chặt chẽ không mang thịt và sản phẩm gia súc, gia cầm vào trại sử dụng. Nghiêm cấm người lạ vào khu vực trại.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ là yêu cầu hết sức quan trọng trong chăn nuôi an toàn sinh học. Ảnh: MĐ.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ là yêu cầu hết sức quan trọng trong chăn nuôi an toàn sinh học. Ảnh: MĐ.

Việc nuôi cách ly vật nuôi mới nhập trại là điều bắt buộc, cần thực hiện các việc như sau: Sử dụng chuồng nuôi, hệ thống cấp thức ăn và bãi nuôi (nếu có) riêng biệt để nuôi lứa mới. Gia súc, gia cầm (GS,GC) mới mua về trước khi nhập đàn phải nuôi cách ly và theo dõi ít nhất 3 tuần (21 ngày).

Không cho vật nuôi cũ và mới tiếp xúc nhau. Chất thải đàn vật nuôi mới nhập không được đưa qua khu vực nuôi chung. Nuôi cách ly đủ thời gian cần thiết (tuỳ thuộc vào loại vật nuôi) và theo dõi mọi biểu hiện của dịch bệnh.

Cách ly khu vực khác là khoảng cách cần thiết giữa cơ sở chăn nuôi với khu dân cư, đường giao thông, chợ… Địa điểm chăn nuôi, cách khu dân cư tối thiểu 300 m, cách đường quốc lộ 100 m, cách chợ 300 m, diện tích xây dựng/tổng diện tích khu chăn nuôi là 1/10.

Vành đai thú y bao gồm: Hàng rào bao quanh khu chăn nuôi nhằm ngăn cách khu chăn nuôi với khu vực xung quanh, qua đó ngăn chặn sự xâm nhập của con người và động vật vào khu vực chăn nuôi.

Về nguồn gốc vật nuôi và kiểm tra thú y: Cần biết rõ lai lịch của lứa mới, tình trạng bệnh dịch nơi bán và các loại vacxin đã được tiêm cho vật nuôi. Đàn GS, GC phải được tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin, tiêm phòng bệnh đúng lịch.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nhằm phát hiện, xác định mầm bệnh hoặc phát hiện kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên đối với các bệnh thuộc diện phải kiểm tra định kỳ trong các cơ sở chăn nuôi.

Khi chọn nhập con giống, phải có nguồn gốc rõ ràng, mua tại địa chỉ tin cậy. Con giống phải khỏe mạnh, có đặc điểm phù hợp với tiêu chuẩn. Con giống mua về phải có giấy kiểm dịch của nơi xuất. Con giống mới mua về phải được nuôi ở một chuồng hoàn toàn riêng biệt, phải có chế độ chăm sóc, phòng bệnh hợp lý.

Để phòng tránh dịch bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm phòng vacxin. Ảnh: HĐ.

Để phòng tránh dịch bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm phòng vacxin. Ảnh: HĐ.

Nhiệt độ, ẩm độ và ánh sáng

Nhiệt độ là yếu tố rất quan trọng trong chăn nuôi, khi nhiệt độ, ẩm độ quá cao hay quá thấp đều gây bất lợi cho vật nuôi. Mùa đông cần che chắn gió lùa. Nếu nhiệt độ quá thấp vật nuôi sẽ tụ lại từng nhóm, có thể đè lên nhau và chết. Khi trời lạnh phải cho lớp độn chuồng dày, vì lớp độn chuồng sẽ giữ nhiệt tốt, làm cho chuồng nuôi luôn ấm.

Ánh sáng có tác dụng diệt khuẩn, tạo vitamin D, tăng cường hấp thu canxi, kích thích sinh trưởng cho vật nuôi. Vì vậy, chuồng nuôi, sân bãi chăn thả cần có đủ ánh sáng chiếu vào. Đối với các loại gà công nghiệp cần chiếu sáng liên tục cả ngày đêm (tối thiểu 21 giờ/ngày).

Thức ăn, nước uống: Mua thức ăn có chất lượng bảo đảm và đã được kiểm tra. Tránh để thức ăn bị nhiễm hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc chữa bệnh trong quá trình bảo quản. Không để thức ăn bị nhiễm phân, sắp xếp các loại thức ăn cẩn thận để không cho vật nuôi ăn nhầm thức ăn, bảo quản thức ăn đúng quy cách.

Nước uống cho vật nuôi uống nước có chất lượng đảm bảo, đã được khử trùng và luôn làm sạch hệ thống cấp nước. Có thể sử dụng nước máy, nước giếng khoan, nước giếng khơi, không được sử dụng nước ao bị nhiễm khuẩn (ô nhiễm) hoặc nước thải.

Phòng bệnh: Để phòng tránh dịch bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm phòng vacxin. Vacxin cần được mua tại cơ sở có uy tín, có phương tiện bảo quản trong quá trình vận chuyển và lưu trữ. Vacxin phải được tiêm phòng theo đúng độ tuổi.

Chú ý các yếu tố trong xây dựng chuồng trại, kho bảo quản thức ăn, thiết kế hệ thống xử lý chất thải, thiết kế hệ thống vệ sinh sát trùng tùy thuộc vào hệ thống chăn nuôi hiện có của trại để thiết kế một hệ thống vệ sinh sát trùng thích hợp nhằm làm giảm thiểu tối đa sự lây lan của mầm bệnh.

Nâng cao sức đề kháng: Chọn giống khỏe mạnh, không mang mầm bệnh, có sức đề kháng cao. Đảm bảo dinh dưỡng cho vật nuôi trong các giai đoạn khác nhau. Định kỳ bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng. Quản lý mật độ nuôi dưỡng, đảm bảo cho vật nuôi sinh trưởng tốt và khỏe mạnh…

Định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng, phải tiến hành phun thuốc sát trùng một lần chuồng nuôi. Ảnh: TL.

Định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng, phải tiến hành phun thuốc sát trùng một lần chuồng nuôi. Ảnh: TL.

Biện pháp ngăn ngừa

Đóng kín đàn vật nuôi, không cho vật nuôi tiếp xúc qua hàng rào với động vật bên ngoài. Không nuôi hỗn độn nhiều lứa. Cách ly vật nuôi mới nhập trại, kiểm tra dịch trước khi thả lứa mới vào chuồng. Biết rõ nguồn gốc của lứa mới và phải qua kiểm tra thú y và hạn chế dịch chuyển các vật chủ mang bệnh

Thực hiện vệ sinh chuồng trại, các đối tượng tiêu độc khử trùng như: Chuồng trại (nền, trần, tường, không gian trong chuồng nuôi và xung quanh khu vực chăn nuôi); dụng cụ chăn nuôi và các vật dụng, phương tiện vận chuyển và vào chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi (xe, thùng chứa vật nuôi…).

Thời gian thực hiện khi không có dịch bệnh, định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng tiến hành phun thuốc sát trùng một lần. Khi có dịch bệnh, thực hiện tiêu độc một tuần 2 lần, liên tục cho đến khi hết dịch. Sau mỗi khi xuất bán phải vệ sinh, sát trùng tiêu độc và để trống chuồng trong thời gian tối thiểu là 7 ngày trước khi nuôi mới…

Nguồn: nongnghiep.vn