Phó Chủ tịch Hội NDVN Bùi Thị Thơm: Nông dân phải là trung tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp
03/12/2021 02:17
Lượt xem: 161
Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt phỏng vấn bà Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam về những cơ hội, giải pháp để giúp nông dân tham gia chuyển đổi số.
Chìa khóa để nông nghiệp bứt tốc
Gần đây, chuyển đổi số được nhắc đến không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch, nhất là trong bối cảnh bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phó Chủ tịch đánh giá như thế nào về chuyển đổi số trong lĩnh nông nghiệp Việt Nam thời gian qua?
– Với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Việt Nam đã và đang triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Nông nghiệp được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, trong đó người nông dân được xác định là trung tâm của chuyển đổi số.
Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm tới 63% số dân cư, 66% số hộ gia đình, lao động nông nghiệp còn chiếm hơn 30% lực lượng lao động xã hội. Nông nghiệp hiện chiếm 14% GDP với 5 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Chuyển đổi số trong nông nghiệp đã bước đầu được quan tâm, từng bước giúp nông dân và doanh nghiệp nâng cao năng suất làm việc, nâng cao lợi nhuận, tối ưu hóa hoạt động sản xuất và nâng cao giá trị.
Theo Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm, người nông dân phải là trung tâm, chủ thể trong việc thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp. Hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp là đầu tư cho phát triển bền vững” |
Thực tế, tiềm năng của chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt Nam rất lớn vì được sự ủng hộ cao từ các cơ quan, bộ, ngành cho đến các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp nông nghiệp. Bên cạnh đó, trong những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, quy mô lớn, sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp, HTX, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại, gia trại đã chủ động ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Các công nghệ, nền tảng Internet vạn vận (IOT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tự hành (Robotics), cảm biến (sensors)… đã bước đầu được áp dụng trong các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản và cho kết quả tốt.
Có thực tế là hiện nông dân tham gia ứng dụng chuyến đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Theo Phó Chủ tịch, đâu là những khó khăn, thách thức của nông dân khi chuyển đổi số nông nghiệp?
– Đúng vậy! Hiện nay, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản. Hiện, các mô hình sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu vẫn là mô hình nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết theo chuỗi giá trị. Trình độ cơ giới hóa sản xuất còn hạn chế, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng.
Hạ tầng cho chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số chưa đồng bộ, chưa tạo ra cơ hội thuận lợi. Việc kết nối trực tiếp nông sản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn với hệ thống thương mại toàn cầu và chia sẻ dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp.
Một rào cản nữa là trình độ lao động lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chiếm số lượng lớn là nông dân không được đào tạo bài bản, sản xuất còn mang tính kinh nghiệm, truyền thống, chưa thay đổi tư duy, chú trọng liên kết, mạnh dạn áp dụng KHCN, ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất.
Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm, 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây nhiều khó khăn, làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để thúc đẩy áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này thể hiện rõ qua việc nông dân đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử hay livestream bán hàng trên các trang mạng xã hội… |
Việc thiếu hụt nguồn vốn khi đầu tư vào các mô nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng công nghệ số cũng đang là rào cản lớn đối với người nông dân.
Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mã vùng truy xuất nguồn gốc… các sản phẩm nông nghiệp nói chung trong thời gian vừa qua cũng đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong hội nhập quốc tế hiện nay.
Chuyển đổi số nông nghiệp: Phải bắt đầu từ nông dân!
Năm 2021 là năm thứ 9 T.Ư Hội Nông dân Việt Nam giao Báo NTNN/Dân Việt tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, với một trong những sự kiện nổi bật là Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ VI “Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp”. Xin Phó Chủ tịch cho biết mục đích, ý nghĩa của diễn đàn lần này?
– Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VI sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước ở T.Ư và địa phương, các doanh nghiệp phát triển công nghệ, chuyển đổi số hàng đầu cung cấp cho nông dân những kiến thức, hành trang để nông dân tích cực thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng nhu cầu CĐS; những cơ hội và thách thức của nông dân trong quá trình chuyển đổi số các chính sách, giải pháp về vốn, đất đai giúp nông dân đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi số nông nghiệp.
Diễn đàn cũng nhằm mục tiêu kết nối giữa các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số với người nông dân để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, giúp nông dân tiếp cận nhanh và hiệu quả các công nghệ mới tiên tiến và hiện đại trong thực tiễn sản xuất, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi số đang diễn ra một cách mạnh mẽ, từ đó đẩy mạnh quá trình kết nối, tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử.
Là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam có những giải pháp gì hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số?
– Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số nông nghiệp, theo tôi, chính là hỗ trợ cho người nông dân sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt, chi phí thấp nhất, mang lại hiệu quả cao nhất, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Chính vì vậy, người nông dân phải là trung tâm, chủ thể trong việc thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp.
Hỗ trợ người nông dân thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, các cấp, các ngành cùng có trách nhiệm, trong đó với vai trò, trách nhiệm là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tập trung triển khai một số nội dung và giải pháp sau:
Thứ nhất, giúp cho nông dân thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong nông nghiệp. Chúng ta phải xác định đây là một xu hướng tất yếu, một giải pháp quan trọng mang tính chất quyết định đến việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả nông sản Việt. Như vậy, Hội Nông dân các cấp cần phải đẩy mạnh và đa dạng các hình thức tuyên truyền (trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan truyền thông của Hội, các hội thảo, hội nghị, diễn đàn, hội thi…), biên tập các tài liệu tư vấn, hướng dẫn hội viên trong các cuộc họp sinh hoạt chi, tổ Hội, các CLB của nông dân…
Thứ hai, tăng cường năng lực, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp cho nông dân. Theo đó, Hội Nông dân các cấp phối hợp tổ chức các khoá đào tạo, các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho nông dân.
Cần đào tạo từ kỹ năng cơ bản như truy cập, sử dụng Internet, cho đến kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, thanh toán điện tử… Trong đó, chú trọng các đối tượng ưu tiên đào tạo, huấn luyện trước, đó là: Các chủ trang trại, gia trại, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân khởi nghiệp, ban quản trị, giám đốc HTX, thành viên các HTX, tổ hợp tác của nông dân, các chi tổ Hội nông dân nghề nghiệp, các mô hình kinh tế trong nông nghiệp, hộ sản xuất… Đây sẽ là những “cánh chim đầu đàn”, từ đó “nông dân dạy nông dân” chuyển đổi số nông nghiệp.
Để làm tốt việc này, Hội Nông dân Việt Nam cần phối hợp các bộ, ngành, doanh nghiệp, đặc biệt là Bộ NNPTNT, Bộ TTTT, Bộ Công Thương, Bộ KHCN…
Thứ ba, các cấp Hội cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, cũng như phối hợp các cơ quan chức năng, doanh nghiệp để xây dựng các chương trình, đề án, dự án, khai thác nguồn lực hỗ trợ nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn…
Đồng thời, hướng dẫn, vận động nông dân tham gia tích cực chương trình mỗi xã một sản phẩm, tham gia kinh tế tập thể, HTX, liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ nông dân xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, mã vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Thứ tư, nâng cao năng lực hỗ trợ chuyển đổi số đối với đội ngũ cán bộ Hội nông dân, nhất là đội ngũ cán bộ Hội cơ sở. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số trong nông nghiệp cho cán bộ Hội các cấp; giảng viên, giảng viên kiêm chức Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam; công chức, viên chức các Trung tâm Hỗ trợ nông dân; Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp.
Để nông dân thực sự phát huy vai trò là chủ thể, trung tâm trong thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp rất cần có sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, doanh nghiệp hỗ trợ cho nông dân nâng cao năng lực, kiến thức cũng như có các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi số. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân Việt Nam thực hiện các chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân. Nếu như có sự đồng bộ đó, tôi tin việc chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ được đẩy nhanh và đạt các hiệu quả tích cực.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!
Nguồn: Danviet.vn