Hội Nông dân các cấp làm nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 – 2025

Lượt xem: 269

Ngày 22/4/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 615/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Hội Nông dân các cấp làm nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 – 2025”, trong đó có một số nội dung chính sau:

  1. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:

(1) 100% cơ sở Hội tổ chức được các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân về hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và tham gia Chương trình OCOP;

(2) 100% cán bộ hội các cấp, giám đốc các HTX, tổ hợp tác, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp có đăng ký tham gia chương trình OCOP được tập huấn, bỗi dưỡng kiến thức về nâng cao năng lực, các kỹ năng tổ chức, quản trị, liên kết sản xuất và thương mại sản phẩm;

(3) Mỗi năm các cấp Hội Nông dân trong tỉnh trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn xây dựng mới được từ 10 sản phẩm OCOP trở lên; cả giai đoạn phấn đấu xây dựng được 40 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Hằng năm duy trì củng cố, nâng cao chất lượng từ 10-20 sản phẩm OCOP đã được công nhận.

(4) Hỗ trợ 200 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, từng bước khẳng định thương hiệu OCOP của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế; 20-30 sản phẩm OCOP hình thành được chuỗi sản xuất gắn với vùng nguyên liệu ổn định, đặc biệt là đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương;

(5) Mỗi năm các cấp hội xây dựng 01 mô hình sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng 04 mô hình theo chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả.

  1. Nội dung thực hiện:

(1) Thông tin, tuyên truyền

Tổ chức thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ Hội và hội viên nông dân hiểu rõ được vai trò của kinh tế tập thể, HTX, vai trò của liên kết đối với sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong giai đoạn hiện nay, nhất là đối với việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP.

Nội dung tập trung tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hình thức hợp tác, liên kết; vai trò của HTX trong xây dựng và củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP… Tuyên truyền về các mô hình điển hình, các cách làm sáng tạo có hiệu quả, về thông tin thị trường và cách tiếp cận các nguồn vốn, việc phát triển sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất, kinh tế tuần hoàn để các chủ thể có sản phẩm OCOP tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

(2) Tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội, HTX và các chủ thể tham gia chương trình OCOP do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập

Nội dung tập huấn: Hướng dẫn, tư vấn tại chỗ về phát triển ý tưởng sản phẩm OCOP, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh; quy trình thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất và xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP; cách thức triển khai và vận hành Chương trình OCOP; bộ tiêu chí chấm điểm; công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; kiến thức về xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP hoàn thiện hồ sơ gửi hội đồng cấp huyện, cấp tỉnh để đánh giá, phân hạng.

Hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực maketing và ứng dụng công nghệ thông tin; đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

(3) Hỗ trợ thành lập và hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã tại các địa phương có các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng để xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP

Hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các chủ trang trại, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi tại các địa phương đang có sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng là nòng cốt để vận động thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã để tổ chức lại sản xuất, tiêu chuẩn hóa sản phẩm và xây dựng, phát triển thành các sản phẩm OCOP. Tổ chức củng cố các HTX hiện có bằng việc mở rộng phát triển thêm thành viên, nâng cao năng lực quản trị, năng lực phát triển thị trường cho ban giám đốc.

Hỗ trợ chuyển tải các nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng CSXH cho hội viên nông dân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản, trọng tâm đầu tư vào xây dựng các mô hình sản xuất theo quy mô hàng hóa, hình thành các sản phẩm OCOP.

(4) Hỗ trợ xây dựng mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP

Hỗ trợ, tư vấn cho các chủ thể (nhóm hộ, HTX, cộng đồng dân cư) tất cả các khâu trong chu trình phát triển sản phẩm OCOP như: xây dựng ý tưởng sản phẩm; xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện kế hoạch; hoàn thiện hồ sơ gửi tham dự đánh giá, phân hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại.

Hỗ trợ xây dựng mới 10 sản phẩm/năm trở lên; phấn đấu giai đoạn 2022-2025 hỗ trợ xây dựng được 40 sản phẩm đạt 3 sao trở lên.

Hỗ trợ củng cố nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận: 20 sản phẩm/năm.

(5) Hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất sản phẩm OCOP theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị

Hỗ trợ xây dựng 4 mô hình liên kết sản xuất thu hoạch gắn với tiêu thụ các sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Nội dung hỗ trợ: hỗ trợ tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ nghiên cứu thị trường và xây dựng kênh phân phối mới; hỗ trợ quảng cáo, xúc tiến thương mại cho HTX: thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc, tem nhãn sản phẩm,…; hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

(6) Hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường

Tư vấn, hỗ trợ các chủ thể là HTX, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm tại các thành phố và các tỉnh trong khu vực… Hỗ trợ các chủ thể ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng như xây dựng và giới thiệu trên các trang website, trên nền tảng các mạnh xã hội và đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

  1. Tổ chức thực hiện

– Hội Nông dân tỉnh: Chủ trì thực hiện Đề án đảm bảo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ. Hằng năm, phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ hội các cấp, các chủ thể tham gia chương trình OCOP; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia xúc tiến thương mại và đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh, các ban chuyên môn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các doanh nghiệp, tổ chức khác trong việc lồng ghép, tranh thủ nguồn lực triển khai nội dung của Đề án…

– Hội Nông dân các huyện, thành phố: Hằng năm, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Tham mưu, đề xuất với Huyện ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân huyện quan tâm, chỉ đạo, tạo cơ chế, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện. Chỉ đạo Hội Nông dân các xã, phường, thị trấn thường xuyên thực hiện việc tư vấn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP; hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức sản xuất kinh doanh cho các chủ thể; hỗ trợ phát triển thành lập các HTX để xây dựng các liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, gắn với vùng nguyên liệu…

– Hội Nông dân các xã, phường, thị trấn: Hằng năm, xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Đề án. Chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân cùng cấp quan tâm, chỉ đạo, tạo cơ chế, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện. Chỉ đạo các chi, tổ Hội thực hiện việc tư vấn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP của địa phương; hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức sản xuất kinh doanh cho các chủ thể; hỗ trợ phát triển thành lập scác THT, HTX để xây dựng các liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Hằng năm tổ chức việc rà soát, thống kê nhu cầu của các chủ thể kinh tế, hộ nông dân để giới thiệu, đăng ký việc xây dựng mới các sản phẩm OCOP…

BBT