Sáng 29/5, Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân (HND) Việt Nam tổ chức hội nghị toàn quốc Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững” tại tỉnh Sơn La và trực tuyến đến 62 điểm cầu trong cả nước.
Giúp nông nghiệp, nông dân, nông thôn có thêm động lực phát triển
01/06/2022 06:17
Đồng chí Lê Ánh Dương chủ trì điểm cầu tại Bắc Giang. |
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính.
Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu Bắc Giang. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; Thường trực HND tỉnh, Chủ tịch HND các huyện, TP và 30 đại biểu đại diện hợp tác xã (HTX), cán bộ, hội viên nông dân tiêu biểu.
Hội nghị là diễn đàn để đại diện nông dân, HTX, doanh nghiệp (DN), các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong cả nước trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt là quá trình thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, phục hồi chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19.
Phát biểu định hướng cuộc đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ khó khăn với bà con trong 2 năm qua phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19. Đại dịch đã để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng, gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, tạo ra lạm phát trên toàn thế giới, tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam. Do đó phải xây dựng nền kinh tế chủ động, tự chủ nhưng tích cực hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế, trong đó có phát triển kinh tế nông nghiệp.
Hội nghị đã nhận được hơn 1.600 câu hỏi gửi đến người đứng đầu Chính phủ, tập trung vào một số nội dung chính về giá vật tư nông nghiệp tăng cao tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp; tình trạng sốt đất xảy ra ở nhiều địa phương khiến không ít nông dân bán vườn, bán đất; nhiều kiến nghị cần siết chặt quản lý, sớm sửa đổi Luật Đất đai; cần thúc đẩy liên kết, hợp tác, phát huy tốt hơn nữa vai trò của các HTX nông nghiệp; khó khăn về nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp…
Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, tin cậy, đổi mới, trách nhiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và 10 lãnh đạo bộ, ngành T.Ư đã giải đáp 14 câu hỏi, kiến nghị của nông dân, DN, HTX, nhà khoa học tại diễn đàn.
Cụ thể, về vấn đề giảm chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ đưa ra các gói hỗ trợ vật tư sản xuất nông nghiệp cho nông dân.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. |
Để nông sản xuất khẩu chính ngạch đạt hiệu quả, các địa phương cần xây dựng vùng trồng lớn, nâng chất lượng sản phẩm để các nước nhập khẩu cấp mã số vùng trồng mới dễ xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, Bộ đang tìm kiếm và đưa ra các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả trên thế giới để áp dụng vào trong nước, giúp bà con giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập.
Đối với xây dựng, phát triển, kết nối thương hiệu, Thủ tướng cho rằng, phải nâng cao nhận thức tầm quan trọng của thương hiệu; nâng chất lượng sản phẩm và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh; xây dựng thương hiệu phải gắn với tự chủ trong sản xuất, vùng nguyên liệu, về khoa học – kỹ thuật.
Về vay vốn phát triển sản xuất, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành Ngân hàng luôn bảo đảm đủ nguồn vốn. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại hoãn, giãn các khoản thu lãi, khoản nợ cho người dân, DN, HTX gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Liên quan tới vấn đề xây dựng, hoàn thiện mạng lưới giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn, đại diện Bộ Giao thông – Vận tải cho biết, Chính phủ đang triển khai nhiều dự án giao thông đường bộ, đường hàng không cho các vùng đồng bằng và miền núi trong cả nước, bảo đảm cho người dân đi lại, giao thương, sản xuất, thu mua và tiêu thụ nông sản thuận lợi.
Ông Hoàng Đình Quê nêu câu hỏi. |
Tại hội nghị, ông Hoàng Đình Quê, thôn Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) đề nghị Chính phủ có các giải pháp nhằm kiểm soát giá đất, giám sát việc buôn bán, chuyển nhượng đất đai đúng các quy định của pháp luật. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an cho biết, các bộ đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp làm rõ các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân nắm được. Đồng thời thanh tra, kiểm tra nhiều dự án để người dân tránh sập bẫy thủ đoạn mua, gom đất nông, lâm nghiệp và các dự án “ma” phân lô bán cho người dân.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về đất đai, bất động sản để người dân nâng cao nhận thức. Bà con không tham gia mua bán các dự án mà chưa biết, chưa rõ, chưa được duyệt quy hoạch. Bộ Công an đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính chất phòng ngừa.
Về đào tạo nguồn nhân lực, đại diện các bộ, ngành liên quan cho rằng, Chính phủ cần quan tâm quy hoạch nguồn nhân lực thì mới đưa ra định hướng và kế hoạch đào tạo và tạo ra các vị trí công việc của HND và nông dân ở các địa phương. Bên cạnh đó, người dân cần chủ động học nghề để có việc làm và làm việc tốt hơn.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của người dân, DN, HTX, nhà khoa học trong cuộc đối thoại. Bên cạnh đó, lãnh đạo các bộ, ngành cũng nêu cao trách nhiệm trong trả lời, đối thoại, đưa ra các giải pháp, gợi mở giúp người dân và chính quyền các cấp định hướng, thực hiện.
Đồng chí đề nghị, việc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân cần được duy trì hàng năm và nên tổ chức vào mùa hè. Chủ tịch UBND các tỉnh đối thoại với nông dân vào dịp mùa thu và mùa đông, vào giữa 2 lần đối thoại hàng năm của Thủ tướng.
Trên cơ sở đó, để phân cấp trong việc nắm bắt cái được, chưa được trong công tác quản lý điều hành của Thủ tướng với các bộ, ngành và của Chủ tịch UBND các tỉnh với nông dân. Kịp thời đưa ra giải pháp thực hiện, giúp nông dân và các HTX, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển bền vững.
Thủ tướng đề nghị, các cấp, các ngành cần nhận thức rõ, nâng cao vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao năng lực của nông dân, nhất là trình độ, theo hướng tri thức hóa nông dân để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và làm giàu từ nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả bền vững theo hướng sinh thái; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao để nâng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cho nông sản.
Xây dựng NTM theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa. Đồng thời phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có giải pháp giảm nhanh tỷ lệ người nghèo ở khu vực nông thôn. Từng bước nâng cao đời sống của người dân, hỗ trợ, định hướng tháo gỡ khó khăn cho bà con.
Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng đất; khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; bảo vệ môi trường nông nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao; chú trọng ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm.
Tăng cường đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là HND các cấp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị chính đáng của nông dân. Hỗ trợ bà con phát triển nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Nguồn: baobacgiang.com.vn