Nông dân “5 cùng”, “5 tự” trong phát triển kinh tế

Lượt xem: 726

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh Bắc Giang đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, vận động hội viên, nông dân tham gia thành lập các chi hội, tổ HND nghề nghiệp, giúp bà con thay đổi nhận thức về hợp tác sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập, xây dựng tổ chức hội cơ sở ngày càng vững mạnh.

Thay đổi nhận thức trong sản xuất

Tháng 10/2020, Chi HND nghề nghiệp trồng cây ăn quả xã Đông Phú (Lục Nam) được thành lập với 32 hội viên. Đây là 1 trong những mô hình đầu tiên được HND tỉnh và huyện Lục Nam triển khai. Ông Đào Văn Hùng (thôn Phong Quang, xã Đông Phú), Chi hội trưởng cho biết, Đông Phú có đất đồi rộng, từ lâu người dân trồng nhiều loại quả như: Na dai, vải thiều, cam, bưởi, ổi, hồng…

Ông Đào Văn Hùng, xã Đông Phú (Lục Nam) thu hoạch hồng nhân hậu.
Ông Đào Văn Hùng, xã Đông Phú (Lục Nam) thu hoạch hồng nhân hậu.

Nhưng mỗi hộ chỉ có từ 0,5-2 ha đất, trong khi đó lại chia nhỏ vườn trồng nhiều loại quả khác nhau nên hiệu quả không cao. Khi thành lập chi HND nghề nghiệp, các thành viên đã bàn, thống nhất chỉ trồng 3 loại cây chính là nhãn, bưởi và ổi, liên kết tạo thành vùng trồng tập trung rộng hàng chục ha.

Trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, chi hội phân công các nhóm thành viên chịu trách nhiệm mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kết nối tìm đơn vị thu mua; thống nhất giá bán sản phẩm… Nhờ sự liên kết đó, mấy năm gần đây, bình quân các hộ trong chi hội đều có thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Nhiều hộ trồng ổi thu nhập gần 1 tỷ đồng/ha/năm.

Ngoài liên kết tạo thành vùng sản xuất chuyên canh lớn, nhiều hộ khi tham gia chi, tổ hội nghề nghiệp còn được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất.

Ông Long Văn Hội, thôn Trại Hồng, xã Hồng Kỳ (Yên Thế) chia sẻ, năm 2020 ông tham gia Tổ HND nghề nghiệp chăn nuôi dê xã Hồng Kỳ nên được vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh. Với số vốn này, gia đình mua thêm hơn 20 con dê thương phẩm giống về nuôi, sau gần 3 năm, đến nay tổng đàn lên 70 con. Từ chăn nuôi dê, ông thu hơn 150 triệu đồng/năm.

Với mong ước nâng sản lượng và giá trị sản phẩm, nhiều chi, tổ HND nghề nghiệp đã phát triển thành hợp tác xã (HTX), tổ chức hoạt động bài bản, từng bước xây dựng các sản phẩm OCOP, chiếm lĩnh thị trường.

Tại HTX Gà núi Hương Sơn, thuộc Chi HND nghề nghiệp chăn nuôi thôn Đồn Cầu Bằng, xã Hương Sơn (Lạng Giang), ông Trần Văn Đồng, Giám đốc HTX chia sẻ: “Mong ước của chúng tôi là xây dựng sản phẩm Gà núi Hương Sơn trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho thành viên trong HTX và các hộ liên kết sản xuất”.

Để đạt mục tiêu, ngoài tự mua thức ăn chăn nuôi, hoá chất khử trùng, thuốc thú y, thành viên HTX còn đi đầu áp dụng kỹ thuật mới trong chăn nuôi. Cụ thể, từ tháng 5-9/2022, hộ ông Đồng đã sử dụng chế phẩm HTMAXigest Po chăn nuôi gà thương phẩm.

Được Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với đơn vị cung ứng chế phẩm hỗ trợ, tập huấn chuyển giao kỹ thuật nên 2 nghìn gà nuôi thử nghiệm đã cho kết quả tốt, lợi nhuận tăng thêm hơn 14 triệu đồng/1.000 con (theo giá hiện tại). Vì thế, đã có nhiều hộ trong huyện đến tham quan, áp dụng.

Anh Đồng Văn Bính, thôn Giữa, xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) chia sẻ: “Sau khi tham quan mô hình nuôi gà có sử dụng chế phẩm HTMAXigest Po của hộ ông Đồng, tôi muốn học tập, liên kết sản xuất để cùng nhau xây dựng thương hiệu Gà núi Hương Sơn”.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5/8/2019 của T.Ư HND Việt Nam về đẩy mạnh xây dựng chi, tổ HND nghề nghiệp, Ban Thường vụ HND tỉnh đã xây dựng Đề án số 02-ĐA/HNDT ngày 11/8/2020 về thành lập điểm mô hình chi HND nghề nghiệp giai đoạn 2020-2022.

Cán bộ HND tỉnh, UBND xã Hương Sơn và người dân tham quan mô hình nuôi gà thương phẩm tại hộ ông Trần Văn Đồng (thứ 4 từ trái sang).
Cán bộ HND tỉnh, UBND xã Hương Sơn và người dân tham quan mô hình nuôi gà thương phẩm tại hộ ông Trần Văn Đồng (thứ 4 từ trái sang).

Đến nay, toàn tỉnh có 458 chi, tổ HND nghề nghiệp với hơn 6,5 nghìn hội viên. 6 tháng đầu năm nay, các cấp hội đã thành lập 53 chi, tổ HND nghề nghiệp với đa lĩnh vực sản xuất, như: Nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả…

Mỗi chi, tổ hội có từ 5 đến hơn 30 thành viên, thành lập theo tiêu chí: “5 cùng”, “5 tự”, cụ thể: “Cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng thụ” và “Tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm”.

Đến nay, toàn tỉnh có 458 chi, tổ HND nghề nghiệp với hơn 6,5 nghìn hội viên (trong đó có 55 chi hội và 403 tổ hội) với đa lĩnh vực sản xuất, như: Nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả… Mỗi chi, tổ hội có từ 5 đến hơn 30 thành viên, thành lập theo tiêu chí: “5 cùng”, “5 tự”.

Thông qua các chi, tổ hội đã xây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân hợp tác hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Từ các chi, tổ hội nghề nghiệp, từ đầu năm đến nay, HND các cấp đã xây dựng, hướng dẫn thành lập được 10 HTX, nâng tổng số lên 90 HTX do HND hướng dẫn, thành lập.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, hoạt động, các tổ, hội vẫn còn những hạn chế như: Trong một đơn vị cơ sở HND có nhiều chi hội, tổ hội, nhóm liên kết… dẫn đến việc tổ chức các hoạt động, sinh hoạt bị chồng chéo. Nguồn kinh phí của chi, tổ HND nghề nghiệp chủ yếu do hội viên đóng góp nên không có kinh phí đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm.

Đa số các mô hình chi, tổ HND nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh còn nhỏ, lẻ, manh mún, thiếu nguồn vốn đầu tư. Do đó, đầu ra sản phẩm không ổn định, giá cả phụ thuộc vào thị trường, tư thương. Nhiều chi hội trưởng, tổ trưởng tổ hội ít kinh nghiệm trong việc điều hành tổ chức hoạt động. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại một số chi, tổ hội còn chưa rõ, nhất là việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Để giúp các chi, tổ HND nghề nghiệp sản xuất hiệu quả, HND các cấp đã phối hợp với phòng, cơ quan chuyên môn tổ chức 675 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất gắn với quảng bá, xây dựng thương hiệu và sản phẩm OCOP; 300 buổi trao đổi kinh nghiệm thực tế mô hình điểm tại các địa phương trong tỉnh… cho hơn 23,6 nghìn lượt hội viên, nông dân; ưu tiên nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cho các chi, tổ hội vay vốn.

Ông Nguyễn Văn Nguồn, Phó Chủ tịch HND tỉnh thông tin, việc xây dựng các chi hội, tổ HND nghề nghiệp bước đầu đã làm thay đổi tư duy, nhận thức, hành động trong cán bộ, hội viên, nông dân, thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn.

HND tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các cấp, ngành liên quan hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, giống, vốn; tìm đầu ra cho sản phẩm của các chi, tổ hội nghề nghiệp.

Định kỳ, các cấp hội sẽ tổ chức kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giúp các chi, tổ hội, HTX, tổ hợp tác phát triển sản xuất ổn định. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phấn đấu đến năm 2025, 100% HND cấp xã đều thành lập ít nhất 1 chi hội nghề nghiệp, góp phần xây dựng tổ chức HND ngày càng vững mạnh.

Nguồn: Báo Bắc Giang