Xây dựng hình mẫu nông dân “5 mới”
01/08/2024 07:48
Mục tiêu xây dựng hình mẫu nông dân “5 mới”, nâng cao vai trò, vị thế của nông dân, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới luôn được các cấp hội nông dân (HND) trên địa bàn tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm và triển khai bằng nhiều giải pháp cụ thể. Nhờ đó, nhiều nông dân Bắc Giang từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhanh nhạy trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập và có đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Năng động, sáng tạo
Ở huyện Lục Ngạn, đa số các hộ đều làm nông nghiệp, hội viên nông dân chiếm hơn 86% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp. Lực lượng này ngày càng lớn mạnh, vượt khó, năng động, trở thành nòng cốt trong thực hiện các phong trào của T.Ư và địa phương; nổi bật là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Điều dễ nhận thấy là ở bất kỳ xã, thị trấn nào của huyện cũng có các mô hình nông dân vượt khó vươn lên, làm kinh tế giỏi như trồng cây ăn quả, chăn nuôi, làm mỳ truyền thống đến phát triển dịch vụ, du lịch.
Mô hình nuôi ba ba của hộ gia đình anh Diệp Văn Liên (bên phải), thôn Hai Cũ, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) cho thu nhập cao. |
Mô hình trồng cam của gia đình hội viên Thang Văn Năm, thôn Bóm, xã Tân Quang (Lục Ngạn – hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp T.Ư nhiều năm) là một trong số đó. Điểm đặc biệt là ông Năm không trồng cam từ cây giống như cách mọi người vẫn làm. Sau khi tìm hiểu, học hỏi ở nhiều nơi, năm 2021, ông bắt đầu ghép mắt cam vào hàng trăm gốc bưởi Diễn được trồng từ năm 1999. Cây vốn có bộ rễ chắc khỏe lại được ghép mắt cẩn thận, chăm sóc đúng kỹ thuật nên ngày càng xanh tốt, vụ nào cũng cho năng suất cao.
Ông Năm chia sẻ: “Cả vườn khoảng 2 ha với hơn 700 cây cam đường canh, V2. Tôi duy trì phương pháp gối vụ luân phiên. Năm nay, diện tích này cho thu hoạch thì năm sau sẽ không cho đậu quả để dưỡng cây. Nhờ duy trì phương pháp trên nên năm vừa qua, gia đình thu hoạch từ 30-35 tấn quả, giá ổn định khoảng 45 nghìn đồng/kg. Vụ tới đây, vườn cam của gia đình ước sản lượng khoảng 40 tấn quả”. Nhiều hộ dân ở trong và ngoài xã cũng học theo cách làm của ông Năm. Cùng với làm giàu từ cây ăn quả, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Lục Ngạn còn có của ăn của để nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi sang một số loài có giá trị kinh tế cao như ba ba, ốc nhồi, dê… Hiện mỗi năm, toàn huyện có hơn 20 nghìn hộ hội viên (chiếm hơn 50% tổng số hội viên) đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Tinh thần sáng tạo, năng động còn thể hiện qua việc tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh. Nông dân huyện Yên Dũng cũng không ngoài cuộc. Thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn huyện có hơn 50 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích nhà màng, nhà lưới khoảng 15 ha do nông dân làm chủ. Điển hình như ông Trần Xuân Đăng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên hiện đang quản lý hơn 1,5 ha nhà màng chuyên trồng dưa, rau màu các loại.
Từ vốn kiến thức được học trên ghế nhà trường và học hỏi qua thực tiễn, anh đã ứng dụng phần mềm quản lý nông nghiệp thông minh, hệ thống tưới nước tự động vào hoạt động sản xuất. Qua đó giúp quản lý, điều chỉnh lượng nước tưới, phân bón hằng ngày cho cây trồng một cách cân đối, giúp tiết kiệm nhân công, vật tư đầu vào, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Đăng chia sẻ thêm, làm nông nghiệp phải hiểu cây trồng, cung cấp đủ dinh dưỡng, phòng trừ sâu bệnh đúng cách theo nguyên tắc kiểm soát sâu bệnh mà không tiêu diệt hẳn nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc. Ngoài ra, HTX quan tâm liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Khơi dậy khát vọng vươn lên
Ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh đánh giá, với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, nông dân Bắc Giang đã không ngừng nỗ lực, khẳng định vai trò chủ thể, nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương. Nhằm khơi dậy khát vọng vươn lên của nông dân, thời gian qua, HND từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng hình mẫu “Nông dân 5 mới” (tư duy mới; nhận thức mới; kiến thức mới; đời sống văn hóa mới; quyết tâm mới) theo hướng dẫn của T.Ư HND Việt Nam.
“Nông dân 5 mới” gồm: Tư duy mới; nhận thức mới; kiến thức mới; đời sống văn hóa mới; quyết tâm mới. |
Các chỉ tiêu của hình mẫu này là: Có trình độ, kiến thức; lành nghề về nông nghiệp; có kỹ năng sử dụng máy móc, tin học, dịch vụ công; có thể lực, trí lực; cần cù, sáng tạo; có ý chí vươn lên, không cam chịu đói nghèo; biết liên kết, hợp tác trong kinh doanh; có ý thức bảo vệ môi trường; chung tay xây dựng nông thôn mới… Việc xây dựng hình mẫu mới này được các cấp HND trong tỉnh quan tâm đưa vào nội dung chính trong các phong trào, cuộc vận động; trong đó trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới.
Để cụ thể hóa, HND tỉnh đã chủ trì xây dựng và được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt nhiều đề án như sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; canh tác lúa thân thiện với môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp làm tiền đề thành lập HTX… Tham gia vào các đề án, nông dân được thụ hưởng nhiều chính sách, hỗ trợ thiết thực. Kết quả đến nay, HND các cấp hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mới hơn 60 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên; hướng dẫn thành lập gần 200 tổ hợp tác; hơn 120 HTX hoạt động cơ bản hiệu quả. Toàn tỉnh có hơn 120 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Việc xây dựng các mô hình điểm do nông dân làm chủ, đa dạng trên nhiều lĩnh vực như phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số… cũng là giải pháp nhằm nhân rộng cách làm hay, khơi dậy tinh thần sáng tạo, vượt khó vươn lên, khẳng định vai trò quan trọng của nông dân trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, để ngày càng có nhiều nông dân “5 mới” rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp, ngành, địa phương; cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, sát thực tiễn. Hơn hết, mỗi hội viên nông dân phải mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm; không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số… đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện Mạc Yến