Nông dân huyện Hiệp Hòa của Bắc Giang tạo gia sản riêng, chung nhau làm nhờ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Lượt xem: 11

Thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã khẳng định vai trò là một kênh dẫn vốn quan trọng, hiệu quả. Quỹ đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển và trở thành điểm tựa vững chắc cho nhiều hội viên nông dân.

Quản lý hiệu quả, sử dụng vốn đúng mục đích

Với sự quản lý chặt chẽ, phương thức cho vay linh hoạt và mục tiêu rõ ràng, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Hiệp Hòa không chỉ giúp nông dân có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh mà còn thúc đẩy các mô hình kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

Giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tại xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa. Ảnh: HND Bắc Giang

Bà Nguyễn Thị Mạnh Hiền – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa cho biết: Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thời gian qua có ý nghĩa rất lớn đối với các hội viên nông dân trên địa bàn.

“Từ nguồn vốn này, nhiều hộ nông dân huyện Hiệp Hòa đã mạnh dạn đầu tư vào các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và cải thiện đời sống” bà Hiền cho hay.

Để đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng đúng quy định, phát huy tối đa hiệu quả, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cho vay và sử dụng vốn vay hàng năm.

Tất cả các dự án vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đều được Ban điều hành Quỹ thẩm định kỹ lưỡng trước khi giải ngân và kiểm tra sau 30 ngày kể từ khi vốn được trao đến tay người dân.

Bên cạnh việc cung cấp vốn, Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa còn đặc biệt chú trọng đến công tác hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật cho hội viên.

Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện Hiệp Hòa; Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm – Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang; Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang để tổ chức 15 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt cho 946 lượt hội viên, trong đó có gần 500 lượt hộ vay vốn tham gia.

Nhờ đó khi được nhận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Hiệp Hòa, các hộ gia đình đều đã chủ động sử dụng nguồn vốn vào việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Ngoài ra, Hội Nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn cũng chủ động tổ chức các buổi tham quan học tập mô hình sản xuất hiệu quả, các cuộc hội thảo đầu bờ, tạo điều kiện để các hộ vay vốn có cơ hội giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.

Năm 2021, nhận 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Hiệp Hòa để phát triển mô hình chăn nuôi bò thương phẩm gắn với bảo vệ môi trường, anh Nguyễn Văn Bẩy (xã Hoàng An) cho hay: Nhờ nguồn vốn vay của Quỹ cùng với vốn đối ứng của gia đình, tôi đã mua bò giống, thức ăn. Đến nay, trong chuồng luôn duy trì từ 8-10 con bò. Do nuôi bò vỗ béo nên cứ khoảng 6 tháng, gia đình tôi lại xuất bán một lứa, trừ chi phí, thu lãi từ 50-60 triệu đồng/lứa.

Tập huấn nâng cao kiến thức cho hội viên nông dân tại huyện Hiệp Hòa. Ảnh: HND Bắc Giang

Tính đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Hiệp Hòa đã đạt trên 10 tỷ đồng. Trong năm 2024, Quỹ đã thẩm định và giải ngân được 08 dự án với nguồn vốn gần 3 tỷ đồng cho 61 hộ vay (01 dự án cấp tỉnh với 600 triệu đồng cho 6 hộ và 7 dự án cấp huyện với 2.376 triệu đồng cho 55 hộ vay).

Nhiều mô hình hay đa dạng

Không chỉ tập trung nguồn vốn cho vay các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu của địa phương mà nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân còn giúp các địa phương phát triển thêm nhiều loại hình, cây con khác.

Điển hình tại xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa, vốn là địa phương có truyền thống mạnh về sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng, nhưng nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng đã giúp địa phương phát triển thêm nhiều mô hình để bà con nông dân phát triển kinh tế đa dạng hiệu quả.

Ông La Văn Trọng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Sơn cho hay: Hiện nay Hội Nông dân xã đang quản lý 3 Dự án vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (Dự án chăn nuôi lợn sinh sản gắn với bảo vệ môi trường, Dự án chăn nuôi gà thương phẩm và Dự án nuôi thâm canh thủy sản).

“Các gia đình nhận được nguồn vốn đã tập trung phát triển kinh tế hiệu quả, từ quá trình chăn nuôi lợn, gà, cá các hộ gia đình đã gắn kết với nhau, tạo quy mô chăn nuôi lớn và mở ra hướng liên kết sản xuất bền vững cho nông sản địa phương” ông Trọng cho hay.

Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa kiểm tra mô hình cho vay dự án nuôi bò thương phẩm ở xã Hoàng An. Ảnh: HND Bắc Giang

Cũng như ở Thái Sơn, tại xã Đông Lỗ, nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng ghi nhận những kết quả tích cực. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư vào mô hình nuôi cá.

Ông Trần Văn Nhâm – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Lỗ cho biết: Năm 2023, 10 hộ gia đình nuôi cá trên địa bàn xã đã nhận được nguồn vốn 1 tỷ đồng từ Dự án “Nuôi cá nước ngọt thâm canh”. Nhận được nguồn vốn các hộ đã tập trung mua cá giống, thức ăn, vôi, tu sửa bờ ao… đến nay các hộ đều phát triển nuôi cá rất tốt, góp phần vào phát triển nghề nuôi cá nước ngọt trên địa bàn xã với trên 160ha mặt nước.

Những kết quả đạt được từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Hiệp Hòa đã minh chứng cho hiệu quả của một chủ trương đúng đắn, đáp ứng kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đông đảo hội viên nông dân.

Nguồn vốn này không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế, giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc, góp phần giảm nghèo bền vững, đồng thời thúc đẩy việc nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Nguồn: Báo Dân Việt