Các cấp Hội Nông dân đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, dạy nghề cho nông dân
07/10/2021 15:07
Thời gian qua với chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ động và tích cực phối hợp đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ và đào tạo nghề cho hội viên nông dân, đồng thời nâng cao vai trò của các cấp hội, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.
Các hoạt động dịch vụ, dạy nghề luôn được các cấp hội quan tâm thực hiện có hiệu quả, hàng năm phối hợp đào tạo nghề cho trên 5.000 lao động nông thôn, đã giúp cho trên 4.000 lao động có việc làm ổn định; tư vấn giới thiệu 6.268 lao động vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp và 358 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tổ chức tập huấn gần 2.000 lớp về khuyến nông, khuyến lâm, hội thảo đầu bờ, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 194.395 lượt hội viên, nông dân. Xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả để phổ biến nhân ra diện rộng, tiêu biểu như: mô hình hướng dẫn nông dân sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGap tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn); trồng rau an toàn tại xã Song Mai (TP Bắc Giang), ngoài ra còn triển khai các đề tài khoa học để ứng dụng các tiến bộ khoa học cho hội viên nông dân; chỉ đạo hướng dẫn, xây dựng 88 mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả; 349 mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, với phương châm cầm tay chỉ việc, lấy nông dân dạy nông dân.
Ảnh minh họa nguồn internet
Phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn, các cấp hội đã tích cực tìm tòi các giải pháp nhằm huy động, khai thác các nguồn lực như: thường xuyên phối hợp với Ngân hàng chính sách Xã hội, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn tín chấp cho hội viên nông dân vay vốn đến nay số dư nợ trên 2 nghìn tỷ đồng; triển khai 06 dự án Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho 100 hộ vay với số tiền là 1.960 triệu đồng; phát triển nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đến nay tổng số quỹ là 31.827 triệu đồng cho 2.293 hộ vay để phát triển sản xuất, kinh doanh; cung ứng 20 máy nông nghiệp trị giá trên 1 tỷ đồng theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Hợp đồng cung ứng 16.690 tấn phân bón các loại theo phương thức trả chậm cho hội viên, nông dân. Qua đó đã giúp cho trên 4.500 lao động có thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nhiều hộ thoát nghèo và trở thành khá giả.
Trung tâm dạy nghề – Hội Nông dân tỉnh trực tiếp đào tạo 11 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 451 lao động với các nghề gò hàn, may công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi thú y. Sau khi tốt nghiệp, 100% các học viên đều phát huy các kiến thức đã học để phát triển kinh tế gia đình hoặc vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Tổ chức 05 lớp tập huấn về an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp cho 350 người là các chủ trạng trại, hội viên nông dân đạng trực tiếp lao động sản xuất; 06 lớp về An toàn thực phẩm cho 300 người là cán bộ cơ sở hội và hội viên. Phối hợp với Công ty Công nghệ Phát triển nông nghiệp xanh triển khai 10 mô hình điểm với diện tích 2.000 m2 trên mô hình, đồng thời tổ chức 10 hội nghị đầu bờ đánh giá hiệu quả sử dụng phân bón viên nén nhả chậm cho cây lúa ở 10 huyện, thành phố; phối hợp với Văn phòng Phát triển bền vững Trung ương Hội xây dựng 03 mô hình điểm sử dụng sản phẩm vi sinh Biowish trong trồng trọt và chăn nuôi cho 19 hộ tham gia ở 03 huyện, thành phố; phối hợp với Công ty Tiến Nông tổ chức 11 hội nghị hưỡng dẫn sử dụng phân bón Tiến Nông, trong đó có 01 hội nghị cấp tỉnh cho 100 đại biểu và 10 hội nghị tại 10 huyện, thành phố cho 500 đại biểu. Tính đến ngày 15/3, các cấp hội đã cung ứng gần 800 tấn phân bón Tiến Nông cho vụ chiêm xuân 2016 theo phương thức trả chậm cho hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ và đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với thực hiện các chính sách xã hội đối với nông dân, trong thời gian tới, các cấp hội tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tích cực chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, chính quyền địa phương làm tốt công tác dịch vụ hỗ trợ, đào tao nghề và giải quyết việc làm. Đặc biệt là chú trọng tới hoạt động hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm của nông dân. Tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp quan tâm ban hành chủ trương, co chế, chính sách giúp Hội Nông dân tích cực tham gia, thực hiện các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn và hỗ trợ việc làm cho hội viên, nông dân; đồng thời tiếp tục truyên truyền nâng cao nhận thức vể các chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về phát triển kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm. Chú trọng dạy các nghề có thế mạnh của địa phương để thu hút nhiều lao động vào học nghề và làm nghề; chuyển đổi tạo việc làm mới cho lao động. Khuyến khích thúc đẩy thành lập Tổ hợp tác, HTX các doanh nghiệp, trang trại trong nông nghiệp. Phát huy các loại hình dịch vụ mà nông dân đang quan tâm như: vật tư phân bón, máy nông nghiệp, cây con giống các loại, dịch vụ về vốn, hoạt động quảng bá tiếp thị sản phẩm… Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, xây dựng giai cấp nông dân và tổ chức Hội ngày càng vững mạnh thực sự là trung tâm và nòng cốt cho các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới./.
Lê Xuân Trung
Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề HND tỉnh