Chuyên đề: HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH VỀ NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM; CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH, CHÍ CÔNG VÔ TƯ

Lượt xem: 284

II. TƯ TƯỞNG, TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH VỀ NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM; CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH, CHÍ CÔNG VÔ TƯ

1. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm:

1.1. Về nói đi đôi với làm và sự cần thiết phải nói đi đôi với làm

Nói đi đôi với làm là nguyên tắc đầu tiên trong ba nguyên tắc đạo đức cách mạng theo quan niệm của Hồ Chí Minh: nói thì phải làm, xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời. “Nói thì phải làm” là thể hiện sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tư tưởng và hành động, nhận thức và việc làm. Nói đi đôi với làm thể hiện bằng kết quả công việc. Kết quả công việc là thước đo sự cống hiến của mỗi người. Nói đi đôi với làm còn là biểu hiện của sự gương mẫu, trung thực, trong sáng của cán bộ, đảng viên, công chức, nêu gương trước nhân dân “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Theo Hồ Chí Minh, về bản chất, “nói đi đôi với làm” không chỉ là nguyên tắc đạo đức, lẽ sống, phương châm hoạt động mà còn là biểu hiện sinh động cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người.

1.2. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về “nói đi đôi với làm”:

a, Nói đi đôi với làm, nói phải đúng chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, không được xuyên tạc, nói sai.

Cán bộ, đảng viên phải nắm vững đường lối cách mạng của Ðảng trong toàn bộ tiến trình cách mạng và được cụ thể hóa trong từng giai đoạn. Nắm vững đường lối cách mạng để thực hiện cho đúng, để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân làm cho đúng..

b, Nói đi đôi với làm, không được “nói một đằng làm một nẻo”.

Theo Hồ Chí Minh, lời nói cần đi đôi với việc làm, nói được làm được, sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Không được nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm. Hồ Chí Minh cho rằng, để chống việc nói một đằng, làm một nẻo, mỗi cán bộ đảng viên còn cần phải xác định rõ trách nhiệm của mình. Mỗi người, mỗi ngành, mỗi giới, mỗi tầng lớp nhân dân đều có những công việc, nhiệm vụ cụ thể. Khi nói phải gắn với những công việc, nhiệm vụ cụ thể, không chung chung, đại khái dẫn đến nói chung, ai nói cũng được, nghe thì hay, nhưng không biết thực hiện thế nào. Nói đi đôi với làm yêu cầu phải đi sâu đi sát, kiểm tra đôn đốc kết quả của việc thực hiện những công việc đã đề ra.

c, Theo Hồ Chí Minh, không được hứa mà không làm.

Lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. “Làm” ở đây chính là hành động, là hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện, đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, từ việc nhỏ đến việc lớn, mang ý nghĩa thiết thực. Ðối với Ðảng ta, Ðối với cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh… phải thật thà nhúng tay vào việc”.

2. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư:

Hồ Chí Minh khẳng định: Đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Người viết: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Theo Hồ Chí Minh, Cần có nghĩa là cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong học tập, trong lao động, trong chiến đấu và trong sản xuất; cần còn có nghĩa là làm việc có phương pháp, có khoa học và có trí tuệ. Cần mà không có trí tuệ thì đó cũng chỉ là bán thân bất toại.

Kiệm là tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cải vật chất và tinh thần cho nhân dân, không lãng phí, tiêu dùng hợp lý nhằm mục đích mở rộng sản xuất và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Liêm là liêm khiết, trong sáng, không tham của cải vật chất, không tham địa vị, không tham sung sướng; không nịnh hót kẻ trên và cũng không thích người khác tâng bốc mình.

Chính là luôn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, lên án những cái xấu, cái sai trái.

Chí công là rất mực công bằng, công tâm; vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư đối với người, với việc. “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Muốn chí công vô tư thì phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.

Chính tấm gương đạo đức trong sáng, suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là sự quy tụ đặc sắc nhất những giá trị của đạo đức cách mạng của Người. Đặc biệt, việc Hồ Chí Minh giải thích cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư bằng thực tiễn, bằng tấm gương rèn luyện đạo đức cần mẫn hằng ngày của Người, đã củng cố thêm giá trị những phẩm chất này, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân.

3. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư:

Trong suốt cuộc đời mình, Người đã thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ nói đi đôi với làm, lý luận đi đôi với thực tiễn người thường nói ít nhưng làm nhiều. Người luôn nêu cao lối sống cần kiệm, giản dị, không màng danh vọng, không ham của cải, không ham sự xa hoa, không chuộng những nghi thức sang trọng. Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới đời sống của nhân dân. Trước cảnh dân đói năm 1945, Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước nhường cơm, sẻ áo cho nhau: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói”. Bác đã gương mẫu nhịn ăn vào tối Thứ 7, tự tay bỏ gạo vào hũ cứu đói dân nghèo. Chiếc áo lụa đồng bào tặng, Bác cũng đem bán lấy tiền mua áo ấm tặng cho chiến sỹ trong mùa đông giá rét. Số tiền tiết kiệm ít ỏi là tiền nhuận bút các báo gửi cho Bác, Bác cũng đem mua nước ngọt tặng cho các chiến sỹ trực phòng không trong những ngày hè nóng bức. Bác thường nói: “Nhân dân còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được, nhân dân còn rách rưới mình mặc thế này cũng là đầy đủ lắm rồi”.

Những cử chỉ cao đẹp đó không chỉ là tình cảm, tình thương bao la của Bác với đồng bào, chiến sỹ mà còn thể hiện sâu sắc những giá trị đạo đức cách mạng ở Hồ Chí Minh. Sự tiết kiệm, giản dị, thanh liêm được thể hiện đậm nét trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của Bác.

Về chi tiêu: Những năm hoạt động ở nước ngoài, Người đã tự thân lao động kiếm tiền để hoạt động cách mạng, chi tiêu rất tiết kiệm. Cả trong kháng chiến, cả trong hoà bình, Bác luôn cân nhắc kỹ càng việc không đáng tiêu thì một xu cũng không tiêu.

Về bữa ăn: Bác ưa các món dân gian, dưa cà, mắm tép, cá kho. Khi đi công tác địa phương, Bác dặn các đồng chí phục vụ chuẩn bị cơm nắm, thức ăn từ nhà hoặc mang nồi đi nấu cho tiết kiệm, tránh các nơi đón tiếp linh đình, lãng phí.

Về trang phục: Bác thường xuyên mặc bộ kaki, đi dép lốp cao su, dùng túi vải, mũ cát, kể cả khi đi công tác ngoài nước.

Về ở: Bác không chọn dinh thự cao cấp, đầy đủ tiện nghi sang trọng mà là mấy gian nhà vốn là nơi ở của người thợ, một căn nhà sàn, Bác sống giản dị đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Trước lúc đi xa Người còn căn dặn: Khi Bác qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân…

Hồ Chí Minh làm những việc như thế để thực hiện điều Người nói, cán bộ, đảng viên nếu làm theo được những việc như trên sẽ thật sự quan liêm – mà quan liêm thì dân hạnh phúc và sẽ đẩy thuyền đi; và sẽ chẳng có những loại quan tham – mà quan tham nhiều thì dân khổ, nước nguy.

III. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH VỀ NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM; CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH, CHÍ CÔNG VÔ TƯ

1. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong giai đoạn hiện nay

Hiện nay trong Ðảng và xã hội ta, tình trạng “nói không đi đôi với làm”, “nói mà không làm”, “nói một đằng, làm một nẻo” đang diễn ra ở nhiều nơi, ở không ít người đang gây bức xúc trong xã hội, làm mất niềm tin trong nhân dân. Thực hiện “nói đi đôi với làm” đối với mỗi cán bộ, đảng viên rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện “nói đi đôi với làm” là phát huy truyền thống đạo đức quý báu của dân tộc, là thực hành đạo đức cách mạng. Thực hiện nói đi đôi với làm hiện nay, trước hết phải từ trên xuống dưới, từ người lãnh đạo cấp cao đến cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở. Nói đi đôi với làm phải gắn với nêu cao tinh thần trách nhiệm và chống chủ nghĩa cá nhân. Chỉ trên cơ sở này, cán bộ, đảng viên mới thu phục được quần chúng, mới cảm hóa, lôi kéo họ tạo thành phong trào thực tiễn rộng lớn để xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện nghị quyết của Ðảng.

2. Liễn hệ thực tiễn:

Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tự toa lớn trên nhiều lĩnh vực và có ý nghĩa lịch sử to lớn. Song, tuy nhiên ở một số bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, tư tưởng. Nghị quyết 04-NQ/TW khóa XII của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên, trong đó có biểu hiện: Tình trạng “nói không đi đôi với làm”, “nói một đàng làm một nẻo”, “nói mà không làm”, “nghĩ một đằng, làm một đằng”, “nói với cấp trên khác, nói với cấp dưới khác” đang diễn ra ở nhiều nơi, ở không ít người. Bệnh nói dối, làm sai, dối cấp trên, dối dân để bớt xén vì lòng tham, bao che khuyết điểm cho nhau, hình thành phe phái, cánh hẩu… đang gây bức xúc trong xã hội, làm mất niềm tin trong nhân dân.

– Trong tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên,… sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động.

– Đối với Chi bộ ta, thời gian qua dưới sự chỉ đạo, định hướng của chi bộ cơ quan, tập thể đảng viên, cán bộ trong cơ quan đã tích cực thực hiện và đạt nhiều thành tích cao. Tuy nhiên, đôi lúc còn có một số bộ phận cán bộ chưa nêu cao thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như: sử dụng điện, nước, văn phòng phẩm,…

Với bản thân, mặc dù đã có nhiều cố gắng song thực hiện nhiệm vụ đôi lúc chưa sâu sát, thiếu thông tin, trong tự phê bình và phê bình nhiều khi còn né trách, ngại va chạm.

3. Biện pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện

Nhận thức được điều đó tôi đã học tập làm theo tấm gương của Bác, cố gắng rèn luyện cho mình đạo đức cách mạng, phải nâng cao ý thức làm việc trên tinh thần “nói đi đôi với làm”, “nói ít làm nhiều”, phải thực sự nghiêm túc, thật thà, không dối trên, lừa dưới, làm gương để cán bộ, đảng viên, nhân dân noi theo, xây dựng lối sống thẳng thắng, trung thực, bảo vệ quan điểm, đường lối, quan điểm của Đảng, tôn trọng thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà cơ quan, đơn vị đã xây dựng.

Về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; làm người công bộc tận tuỵ, trung thành của nhân dân; đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị.

Học tập Bác về Cần: Tôi đã luôn chịu khó nghiên cứu các quy định, từ đó đã vận dụng vào trong công tác chuyên môn hàng ngày, và tham mưu cho lãnh đạo việc triển khai các chương trình, kế hoạch của phòng đúng định hướng, phù hợp với tình hình nhiệm vụ của cơ quan. Trong công tác quản lý phòng tôi luôn quan tâm đến tính đúng đắn, khoa học, có kế hoạch, phân công phân việc cụ thể, rõ ràng và phù hợp, có kiểm tra, kiểm soát thường xuyên.

Học tập Bác về Kiệm: Tôi luôn chấp hành tốt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cả về tiền bạc, thời gian, của cá nhân mình và của cơ quan. Đi làm đúng giờ, sử dụng điện, điện thoại, nước tiết kiệm, các thiết bị công nghệ thông tin, công cụ dụng cụ sử dụng tiết kiệm và hiệu quả.

Học tập Bác về Liêm: Tôi không tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu, mưu lợi cá nhân. Tuyệt đối không biến của công thành của riêng, không tham lam những cái không phải của mình, không lợi dụng chức vụ để trục lợi.

Học tập Bác về Chính: Tôi luôn có ý thức giữ gìn tư cách, đạo đức, tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên. Luôn thẳng thắn, công tâm, khách quan, nghiêm túc thực hiện công tác tự phê bình và phê bình, tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng với tinh thần cầu thị, trung thực, chân thành với chính mình và với người khác.

Học tập Bác về chí công vô tư: Tôi kiên quyết đấu tranh không để chủ nghĩa cá nhân, không xu nịnh, a dua, không kéo bè kéo cánh. Luôn xây dựng mối đoàn kết nội bộ, hòa đồng, yêu thương đồng nghiệp, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Từ việc học tập và làm theo gương của Bác tôi đã thấm nhuần: Đạo đức là cái quý nhất, là linh hồn của một con người. Học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng theo Bác để “phần tốt của mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân”, là sức mạnh để mỗi chúng ta thực hiện mục tiêu, lý tưởng của mình, và để xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội ngày càng phồn vinh.

Bắc Giang, ngày tháng 3 năm 2017

Người viết báo cáo chuyên đề

Lý Thị Hạnh