“Những lời chỉ dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay”

Lượt xem: 109

Ông Nguyễn Túc – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người vinh dự và hạnh phúc không chỉ một lần được gặp Bác. Năm nay đã ở tuổi 83 nhưng ông Nguyễn Túc vẫn nhớ như in những chi tiết nhỏ trong 4 lần được gặp Bác Hồ.

Mỗi lần gặp là một phương châm giáo dục

Ông Nguyễn Túc kể, từ năm 1957, khi mới 20 tuổi, ông bắt đầu tham gia vào công tác giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó 1 năm, đúng vào sáng sớm mùng 1 Tết Nguyên đán năm 1958, Bác Hồ đã có chuyến thăm không báo trước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và dũng sĩ diệt Mỹ của Quân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc (20/7/1968). Ảnh: TTXVN

Bác hỏi tôi “Cháu dân tộc nào? Cháu làm việc ở đâu, đã có gia đình chưa?”. Tôi trả lời: “Thưa Bác! Cháu dân tộc Kinh. Cháu dạy ở Trường Đại học Bách khoa và cháu đang có người yêu”… Lúc đó, Bác rất vui và quay sang bảo anh Lê Văn Lương – Trưởng Ban tổ chức Đại hội III của Đảng cấp cho tôi giấy mời để tối hôm đó đưa người yêu đi dự Đại hội của nhân dân Thủ đô chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được tổ chức tại sân vận động Hàng Đẫy” – ông Nguyễn Túc (ảnh) xúc động nhớ lại.

Chuyến đi thăm không báo trước của Bác giống như một người ông, người cha đến “xông nhà” và chúc tết con cháu ngày đầu xuân làm cho lãnh đạo trường, cũng như cán bộ, công nhân viên và sinh viên khá bất ngờ và lúng túng.

Thời điểm đó toàn bộ khu ký túc xá chỉ là khu nhà tranh, cơ sở vật chất của những dãy nhà rất đơn sơ, thiếu thốn. Nơi Bác đến đầu tiên là khu ở của sinh viên. Hầu hết sinh viên ở lại ăn tết hôm đó là con em đồng bào miền Nam tập kết.

“Hôm đó, Bác có nhắc nhở mọi người rằng: “Đồng bào miền Nam giao con em cho chúng ta thì chúng ta cần phải quan tâm chu đáo, chăm lo đời sống vật chất tinh thần. Còn các cháu học tập tốt, mai kia về phục vụ quê hương”. Khi nói xong, Bác có căn dặn: “Giáo dục phải kết hợp với lao động sản xuất; lý luận phải gắn liền với thực tiễn; học phải đi đôi với hành; nhà trường phải gắn liền với xã hội”. Chính điều đó đã trở thành phương châm giáo dục của nước ta sau này” – ông Nguyễn Túc nhớ lại.

Lần thứ hai, ông Nguyễn Túc được gặp Bác Hồ vào đúng 60 năm về trước (1960), khi Bác cùng đoàn đại biểu Chính phủ Albania đến thăm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Bấy giờ, ông Nguyễn Túc vừa làm công tác dạy học, vừa là cán bộ công đoàn. Khi về thăm trường, Bác đã hỏi thăm về tình hình trường học, khen trường đã bồi dưỡng, đưa được nhiều công nhân, nông dân, con em dân tộc thiểu số và các chiến sĩ quân đội vào đại học. Bác lưu ý “số các cháu gái vào Đại học Bách khoa còn ít. Các chú phụ trách nhà trường cần chú ý hơn về tình hình này”.

Tiếp thu lời Bác dặn, trường đã mở lớp dự bị đại học để giúp đỡ các em dân tộc thiểu số để học, dự bị vào đại học. Đồng thời sinh viên nữ cũng có một chế độ đặc biệt dành cho con em của những gia đình cách mạng.

“Cũng trong lần gặp gỡ đó, Bác Hồ đã nhắc nhở mọi người rằng: “Học để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Thầy trò cần thi đua dạy tốt, học tốt”. Về sau chính phong trào học tốt, dạy tốt như Bác nói đã trở thành phương châm giáo dục của nước ta” – ông Túc nói.

Lần thứ ba, ông Nguyễn Túc được gặp Bác Hồ là ngày 3/2/1962, khi đó Bác đưa đoàn đại biểu nhà nước Lào do Hoàng thân Xuvanna Phuma dẫn đầu. Khi mọi người đã vào hội trường, từ Đoàn Chủ tịch cuộc mít-tinh, Bác vẫy tay ra hiệu nhiều lần cho mọi người ngồi xuống. Nhưng tất cả đều đứng và hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm”.

Tiếng hô không ngớt và kéo dài. Khi mọi người đã ổn định, Bác nói vui: “Các cô, các chú, các cháu giảng dạy tốt, học tập tốt, công tác tốt thì hãy hô: “Bác Hồ muôn năm”. Cũng trong lần đó, Bác lại nhắc nhở mọi người phải giảng dạy tốt, học tập tốt, lao động tốt. “Những lời chỉ dạy của Bác Hồ cho tới ngày nay vẫn còn nguyên giá trị” – ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.

Học Bác từ những điều bình dị nhất

Sau 3 lần được gặp Bác Hồ tại Trường Đại học Bách khoa, ông Nguyễn Túc lại vinh dự được gặp Bác khi được điều đi học tập, nghiên cứu để phục vụ Đại hội III của Đảng. Đây cũng là kỷ niệm sâu sắc nhất đối với ông trong những lần gặp Bác.

“Bác nhắc nhở anh chị em chúng tôi phục vụ các đại biểu nói chung, khách nước ngoài nói riêng phải hết sức chu đáo, trọng thị và thân tình. Bác nói: Mới ra khỏi chiến tranh, đất nước ta còn nghèo về vật chất và thiếu hiểu biết, cũng như kinh nghiệm về lễ tân, Bác chắc chắn bạn sẽ thông cảm với ta…” – ông Túc kể.

Hôm ấy ông Nguyễn Túc đang giảng dạy thì ông Tạ Quang Bửu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa – thông báo quyết định bàn giao công việc đang làm, được nghỉ phép một tuần để sau đó đi “nhận công tác đặc biệt”. Anh em trong bộ môn đoán già, đoán non, nhưng cuối cùng đành chịu, không ai biết công tác đặc biệt đó là gì.

Hết thời gian nghỉ phép, ông Nguyễn Túc khoác ba lô, đạp xe đến địa điểm đã quy định trong giấy triệu tập, đó là khu nhà số 8 và số 10 đường Chu Văn An hiện nay. Qua ít ngày ổn định tổ chức và học tập nội quy, mọi người mới biết là mình được triệu tập đi phục vụ Đại hội III của Đảng.

Sau đó, ông Nguyễn Túc và nhiều người khác được chuyển về Trường Tuyên huấn T.Ư (bây giờ là Học viện Báo chí và Tuyên truyền – PV) để học tập chính trị, nhằm xác định thái độ phục vụ và bắt tay vào việc. Từ ngày chuyển về đây, mọi học viên phải thực hiện nghiêm túc lệnh cấm trại “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nhằm đảm bảo bí mật tuyệt đối theo Chỉ thị của T.Ư.

Ông Túc nhớ lại: Những ngày làm việc chuẩn bị cho Đại hội, Bác Hồ đến thăm mọi người trong bộ quần áo màu nâu quen thuộc và đôi dép cao su “Bình Trị Thiên khói lửa” giản dị. Bác khen chúng tôi học tập tốt, Bác mong chúng tôi phục vụ Đại hội thật tốt vì Đại hội này là Đại hội của một nửa đất nước được giải phóng với số đại biểu đông nhất, cả đại biểu trong nước lẫn đại biểu nước ngoài.

Đại hội sẽ tổng kết 30 năm xây dựng Đảng và quyết định những vấn đề trọng đại nhất của đất nước là đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước.

“Bác nhắc nhở anh chị em chúng tôi phục vụ các đại biểu nói chung, khách nước ngoài nói riêng phải hết sức chu đáo, trọng thị và thân tình. Bác nói: Mới ra khỏi chiến tranh, đất nước ta còn nghèo về vật chất và thiếu hiểu biết, cũng như kinh nghiệm về lễ tân, Bác chắc chắn bạn sẽ thông cảm với ta…” – ông Túc kể.

Ông Túc còn nhớ, một ngày sau khai mạc Đại hội (đêm mùng 6/9), 22 giờ Bác Hồ đến thăm và khen tổ phiên dịch. Câu đầu tiên là Bác khen các bản dịch chính xác, diễn đạt sát ý, văn phong tốt. Bác thưởng cho các người mỗi người một điếu thuốc lá thơm.

Được khen, được thưởng thuốc lá, nhưng ông Nguyễn Túc cảm thấy hạnh phúc nhất là lúc chụp ảnh lưu niệm xong. Bác hỏi: “Cháu dân tộc nào? Cháu làm việc ở đâu, đã có gia đình chưa?”. Tôi trả lời: “Thưa Bác! Cháu dân tộc Kinh. Cháu dạy ở Trường Đại học Bách khoa và cháu đang có người yêu”… Lúc đó, Bác rất vui và quay sang bảo anh Lê Văn Lương – Trưởng Ban Tổ chức Đại hội III của Đảng cấp cho tôi giấy mời để tối hôm đó đưa người yêu đi dự Đại hội của nhân dân Thủ đô chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được tổ chức tại sân vận động Hàng Đẫy” – ông Túc xúc động nhớ lại.

Ông Nguyễn Túc bảo: “Việc được Bác quan tâm, chăm lo từ những điều nhỏ nhất khiến tôi và mọi người khi đó rất xúc động. Đến nay, đã hơn 50 năm Bác Hồ đi xa, nhưng những hình ảnh về Bác, những điều Bác căn dặn và những tình cảm của Bác vẫn luôn in đậm trong trái tim tôi”.

Cũng theo ông Túc, mỗi người cần học Bác từ những việc nhỏ, giản dị nhất như cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư. Mỗi một cán bộ phải học tập theo Bác vì dân vì nước. Khi học Bác được những phẩm chất giá trị đó thì càng phải giữ mình trong sạch, xứng đáng là những người đầy tớ phục vụ nhân dân.

Nguồn: danviet.vn