THƯƠNG BINH ĐẶNG XUÂN PHÓNG LÀM KINH TẾ GIỎI

Lượt xem: 84

Ông Phóng có vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền lành. Trong căn nhà ngói 4 gian, ông niềm nở kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình: … sinh ra trên mảnh đất nghèo khó của vùng quê Yên Thế, lớn lên khi đất nước vẫn còn tiếng súng của kẻ thù ngoại xâm, để lại người vợ trẻ và đứa con đầu lòng còn thơ dại ở quê nhà, ông cùng những chàng trai trẻ của xã Xuân Lương hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc. Vào quân ngũ từ tháng 2-1965 ở mặt trận đường 9 Nam Lào, đến tháng 5-1970 ông bị thương nặng. Tháng 10/1973 ông trở về quê hương.

Ảnh minh họa

Đất nước trong những năm đầu hòa bình lập lại gặp muôn vàn khó khăn. Cuộc sống gia đình ông lại càng trở nên túng quẫn. Làm thế nào để cải thiện cuộc sống gia đình là điều khiến ông luôn trăn trở, băn khoăn. Với bản chất và nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông đã không quản ngại khó khăn vượt lên hoàn cảnh để khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương bằng việc mạnh dạn vay vốn ngân hàng, bà con, họ hàng được hơn 30 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi gà, lợn, thỏ. Năm 2000, ông mạnh dạn nhận 02 ha rừng để trồng keo, bạch đàn; còn 0,5 ha ông đã trồng hàng trăm gốc chè. Nhờ chịu khó học hỏi và ứng dụng tiến bộ KHKT, nên vườn chè nhà ông ít khi mất mùa, hàng năm thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Để thuận tiện cho sản xuất, ông tiếp tục đào và xây 1000 m2 ao thả cá, mở rộng đàn gà. Riêng đàn gà thả vườn, mỗi lứa ông nuôi 5000 con, một năm 3 lứa đã cho số lượng trên 10 tấn gà thịt. Hỏi về kinh nghiệm chăn nuôi gà, ông chia sẻ: ” Ngoài tiêm phòng, còn áp dụng chữa bệnh theo phương thuốc cổ truyền như xông gà bằng quả bồ kết cũng rất hiệu nghiệm”.Theo ông: “Sau mỗi lứa nuôi, nên dừng 1 tháng để chuyển chỗ, làm vệ sinh, đồng thời để cỏ mọc cho gà ăn sau này. Trại cho gà ở phải lát sàn, bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Những ngày giá rét phải giã gừng trộn với thức ăn, hoặc đốt chấu xung quanh chuồng để giữ ấm cho gà, tiết kiệm tiền củi, tiền điện. Khu vực chăn thả bố trí lán trại hợp lý, gần nơi ăn uống, ngủ, nghỉ của đàn gà, nhưng phải có bóng mát để gà không chạy về nhà“. Đến nay tổng thu nhập hàng năm của gia đình ông đạt từ 200-250 triệu đồng/năm.

Ngoài việc hăng say phát triển kinh tế gia đình, ông Phóng còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội. Ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình và giúp vốn cho bà con địa phương trên 30 triệu đồng không lấy lãi để phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo. Hiện mô hình của ông đã được nhiều người đến học tập và làm theo. Bên cạnh đó, gia đình ông luôn đi đầu trong các phong trào thi đua của địa phương, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động ủng hộ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, khuyến học, xây dựng nông thôn mới.

Với ý chí, nghị lực của người lính, không ngại khó khăn, gian khổ, ông Đặng Xuân Phóng đã từng bước gây dựng kinh tế gia đình vững vàng, là tấm gương phát triển kinh tế điển hình của địa phương. Nhiều năm liền, gia đình ông đều đạt gia đình nông dân văn hóa và sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Phan Thị Thu Hiền