Hội nghị trực tuyến về công tác giảm nghèo năm 2014

Lượt xem: 79

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2013, cả nước đã có trên 261.000 hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; hơn 13 triệu người nghèo và người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế; hơn 2 triệu học sinh, sinh viên nghèo được hỗ trợ học phí… Nhiều nơi có cách làm sáng tạo giúp người dân thoát nghèo nhanh, bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh từ 22% xuống còn 7,8%. Nhiều địa phương đạt mức giảm nghèo cao hơn chỉ tiêu giảm 2%/năm của cả nước và 4%/năm ở các huyện nghèo.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo về nhiệm vụ, mục tiêu giảm nghèo năm 2014 và định hướng đến năm 2015 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình bày. Đồng thời, các đại biểu cũng nêu ra những khó khăn, tồn tại trong công tác giảm nghèo bền vững như: chưa khai thác được nguồn lực tại chỗ, chưa phát huy nội lực chính người nghèo và cận nghèo; tỷ lệ hộ tái nghèo, phát sinh nghèo vùng núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm còn cao, có nơi trên 50%; các chương trình, dự án giảm nghèo còn chồng chéo, kinh phí manh mún, phân tán, hiệu quả tác động chưa cao; ở nhiều địa phương, người nghèo vẫn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước; mặt khác, do trình độ thấp nên đa phần người dân thiếu ý thức tự lực vươn lên; việc sử dụng nguồn lực còn lãng phí gây thất thoát nguồn vốn, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh những chính sách giảm nghèo thời gian qua đã phát huy được hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước và từng địa phương. Tuy nhiên, một số chính sách ban hành không có quy định ràng buộc dẫn đến tâm lý ỷ lại, không tạo động lực để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện giảm nghèo toàn diện nhưng phải xác định các nhóm đối tượng để tập trung giảm nghèo. Đồng thời, chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng lồng ghép, tránh chồng chéo nhưng không làm gián đoạn các chính sách đang triển khai trên thực tế, đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay những nội dung không còn phù hợp. Quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm; xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý chặt chẽ đối tượng hộ nghèo; thiết kế nhiều gói chính sách giúp người dân lựa chọn theo hướng chuyển dần từ hình thức hỗ trợ gián tiếp sang trực tiếp; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về giảm nghèo bền vững, động viên kịp thời các gương điển hình về giảm nghèo kết hợp với giáo dục nhằm khơi dậy ở người nghèo ý chí tự lực vươn lên…

Tại tỉnh Bắc Giang, công tác giảm nghèo bền vững đã được các cấp ủy và chính quyền quan tâm. Năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 10,44% (tương đương 44.540 hộ), tỷ hộ cận nghèo còn 7,39% (tương đương 31.545 hộ). Qua 3 năm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm được 9,17%, bình quân mỗi năm giảm trên 3% đạt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII của tỉnh. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 8,5-9% (riêng huyện Sơn Động và 13 xã nghèo của huyện Lục Ngạn giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 4-5%/năm); toàn tỉnh không còn hộ nghèo là gia đình người có công với cách mạng.

Theo bacgiang.gov.vn