HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẮC GIANG TÍCH CỰC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY CHẾ GIÁM SÁT VÀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI

Lượt xem: 79

Để thực hiện có kết quả quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội“, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo Hội Nông dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, ký chương trình phối hợp giám sát thực hiện Pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2015 – 2020.

Thông qua chương trình phối hợp giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm Pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, ngoài danh mục lưu hành, không rõ nguồn gốc; đồng thời phát hiện những nhân tố mới, mặt tích cực để tuyên truyền, nhân rộng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sản xuất và kinh doanh theo đúng pháp luật. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật; nâng cao năng lực giám sát của cán bộ, hội viên nông dân; từng bước thực hiện quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp theo quy định của pháp luật. Cùng với các hoạt động giám sát, kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Xác định việc giám sát và phản biện xã hội đối với tổ chức hội là một nội dung mới. Do vậy quá trình thực hiện cần có sự nghiên cứu, chọn lựa vấn đề, nội dung để làm trước. Đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, năm 2015, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng cấp tỉnh tập trung giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân về giám sát quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón. Tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội các cấp, nhất là cấp cơ sở về các quy định pháp luật trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; phương pháp nhận biết sản phẩm giả, kém chất lượng; kỹ năng tổ chức thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Vận động, hướng dẫn người dân tham gia giám sát và kịp thời phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, sản phẩm nhập lậu. Thành lập thí điểm các đoàn giám sát do lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương làm trưởng đoàn đi giám sát về trách nhiệm quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp ở một số huyện, thành phố.

Bằng sự vào cuộc tích cực và phối hợp “nhịp nhàng” giữa Hội Nông dân và Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Quyết định 217 sẽ thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Vũ Hải Đăng