Hồ Chí Minh, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế

Lượt xem: 123

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969)

Từ khi Đồng minh những người cộng sản ra đời với bản Tuyên ngôn Đảng Cộng sản do Mác và Ăngghen soạn thảo (1848) đến nay, phong trào cộng sản quốc tế đã có lịch sử hơn 160 năm chiến đấu vẻ vang và chiến thắng vĩ đại. Từ chỗ bị các thế lực thù địch sợ hãi xem như một “bóng ma ám ảnh châu Âu”, các lực lượng cộng sản đã ngày càng hiện hữu trong vai trò, vị trí lãnh đạo nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức tiến hành hàng loạt cuộc cách mạng làm rung chuyển thế giới, kết thúc thời đại độc tôn của chủ nghĩa tư bản, mở ra một thời đại mới trên thế giới – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Đi đầu trong đội quân tiên phong ấy là C. Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và tiếp bước họ là những lãnh tụ kiệt xuất, những chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cách mạng, phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, trong đó, ngời sáng tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng mà ngay từ rất sớm đã được hàng triệu người trên thế giới biết đến. Người được ngưỡng mộ là “nhà mácxít-lêninít khiêm tốn nhất và triệt để nhất của thời đại chúng ta” (Phiđen Caxtrô); là “biểu tượng của sự sáng suốt cộng sản chủ nghĩa ở châu Á” (R.Arixmênđi); là “nhà lãnh đạo vĩ đại và kiên định” (I.Ganđi); là tấm gương lớn nhất về “sự toàn vẹn, lòng nhân ái và tính khiêm tốn” (X.Agienđê)… Nhân dân Liên Xô trước kia quen gọi Hồ Chí Minh là một “chiến sĩ cách mạng lỗi lạc”. Thế giới ngày nay tôn vinh Người là Anh hùng Giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hoá. Tất cả những giá trị cao đẹp ấy hội tụ trong chân dung Hồ Chí Minh: một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại của dân tộc Việt Nam; một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết của phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ, như Trung ương Đảng ta đã đánh giá trong giờ phút đau thương phải vĩnh biệt Người cách đây hơn 40 năm.

Tư cách chiến sĩ lỗi lạc của Hồ Chí Minh được quyết định bởi sự nghiệp cách mạng vĩ đại, những đóng góp to lớn, chủ nghĩa quốc tế vô sản và những phẩm giá cao đẹp của chính Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự nghiệp cách mạng thật sự vĩ đại, đó là đã lãnh đạo thành công cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á, góp phần to lớn vào phong trào cách mạng, phong trào cộng sản quốc tế. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước nhà bị thực dân đô hộ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành sớm nung nấu hoài bão giải phóng dân tộc. Đồng thời, người thanh niên ấy cũng sớm nhận ra những hạn chế lịch sử của hàng loạt phong trào đấu tranh yêu nước ngày ấy và quyết tâm tìm con đường cứu dân, cứu nước tiên tiến, phù hợp. Hoà mình vào phong trào công nhân, phong trào xã hội ở Pháp và nhiều quốc gia phương Tây khác, Nguyễn Ái Quốc đã đến được với ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, đã tìm ra con đường cách mạng duy nhất đúng đắn để giải phóng dân tộc mình, đó là con đường cách mạng vô sản. Mùa Xuân năm 1930, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chính đảng tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Hội nghị đã đề ra Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt tuyên bố tiến hành tư sản dân quyền cách mạng, thổ địa cách mạng để tiến tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Dưới sự tổ chức và rèn luyện trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, chỉ 15 năm sau, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân – phong kiến, thành lập nhà nước công – nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở đầu quá trình tan rã của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới. Bàng hoàng và hoảng sợ trước ngọn đuốc giải phóng dân tộc trong thời đại mới đã được thắp sáng tại Việt Nam, thực dân Pháp và các thế lực phản động quốc tế phiêu lưu xâm lược Đông Dương một lần nữa. Sau nhiều cố gắng thương lượng bất thành, từ tháng 12 năm 1946, lãnh tụ Hồ Chí Minh một lần nữa lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam tiến hành trường kỳ kháng chiến và 9 năm sau kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Tiếp nối Điện Biên Phủ – Việt Nam là hàng chuỗi phong trào giải phóng dân tộc liên tiếp nổ ra ở không gian Á, Phi và Mỹ La tinh rộng lớn trong suốt các thập kỷ 50, 60 và 70 của thế kỷ XX. Hệ thống thuộc địa thế giới đã từng được chủ nghĩa thực dân đế quốc xây dựng ròng rã trong 500 năm đã nhanh chóng sụp đổ hoàn toàn chỉ trong vòng chưa đầy 50 năm sau mốc son Việt Nam mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh.

Sau thất bại của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thế chân, nhảy vào miền Nam, âm mưu chiếm đóng, chia cắt lâu dài đất nước nhằm chống phá chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã lãnh đạo toàn dân tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng: hoàn thiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, chế độ xã hội chủ nghĩa vẫn ngày càng được củng cố, miền Bắc hoàn thành nghĩa vụ cao cả là hậu phương lớn cho miền Nam đánh Mỹ. Quân và dân miền Nam đã lần lượt làm thất bại mọi chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tiến tới Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Lá cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội – lá cờ bách chiến, bách thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân giương cao, biến Việt Nam thành lương tâm và khí phách của cả thờì đại. Chiến thắng năm 1975 của Việt Nam là chiến thắng của thời đại Hồ Chí Minh, chiến thắng của dân tộc chống đế quốc, của chủ nghĩa xã hội đối với chủ nghĩa tư bản, của văn minh chống lại bạo tàn, góp phần to lớn vào sự nghiệp bảo vệ hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên toàn thế giới.

Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về sự kiên định, trung thành với mục tiêu lý tưởng cộng sản; đồng thời, đã vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin phù hợp với điều kiện Việt Nam, góp phần xứng đáng vào tăng cường sức sống cho hệ tư tưởng cộng sản trong thời đại mới. Chính vì vậy, Người không chỉ được kính trọng, ngưỡng mộ, mà còn là một tấm gương cần noi theo, một sự chỉ dẫn không thể thiếu đối với nhân dân Việt Nam và đông đảo lực lượng cách mạng, tiến bộ toàn thế giới trước kia, hiện tại và tương lai.

Từ chủ nghĩa yêu nước, Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa cộng sản, kết hợp chặt chẽ các mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người trong một sự nghiệp cách mạng. Lập trường cộng sản của Hồ Chí Minh được xây dựng trên cơ sở của một nhận thức đúng đắn, một ý chí sắt son với quốc gia dân tộc, một trình độ giác ngộ giai cấp sâu sắc qua thực tiễn hoạt động chính trị – xã hội phong phú của bản thân Người. Bởi vậy, ngay trong hoàn cảnh hoạt động bí mật hiểm nghèo, trong chốn lao tù khắc nghiệt, hay trong những thời điểm bị chính các đồng chí cộng sản hiểu lầm, đánh giá sai…, Người vẫn luôn luôn tự tin, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cộng sản.

Điều hết sức đặc sắc ở Hồ Chí Minh là Người đã duy trì sự kiên định, trung thành bằng cách vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận cộng sản chủ nghĩa một cách kịp thời, đúng đắn và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như với bối cảnh mới của thời đại. Những luận điểm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa đế quốc như con đỉa hai vòi; về vai trò, vị trí của cách mạng vô sản ở thuộc địa đối với cách mạng thế giới nói chung và cách mạng vô sản ở chính quốc nói riêng; về khả năng, tiềm năng cách mạng của các lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở Đông Dương; về giải quyết mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc trong cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; về quy luật ra đời của đảng cộng sản ở Việt Nam; về chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một xã hội thuộc địa – phong kiến; về xây dựng nền văn hóa và con người mới xã hội chủ nghĩa; về khối đại đoàn kết toàn dân tộc như động lực của toàn bộ sự nghiệp cách mạng; về xây dựng nền quốc phòng toàn dân với sức mạnh tổng hợp, chiến tranh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân; về xây dựng Nhà nước, xây dựng Đảng như tổ chức của những công bộc, những người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; về nền đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, hợp tác và hội nhập quốc tế… là những cống hiến vô giá đối với chủ nghĩa Mác – Lênin, phong trào xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng thế giới.

Hệ thống lý luận do Mác, Ăngghen và Lênin xây dựng cách đây hàng thế kỷ vẫn có ý nghĩa thời đại sâu sắc một phần rất lớn là nhờ được nhiều lãnh tụ cách mạng, trong đó có Hồ Chí Minh của Việt Nam, bổ sung, phát triển thông qua tổng kết thực tiễn sinh động của quốc gia và thế giới đương thời. Đối với những người cộng sản và nhân dân Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn có giá trị soi sáng con đường cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội trước kia và công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 25 năm đổi mới vừa qua cũng như những đóng góp của đổi mới đối với quá trình phục hồi, phát triển của chủ nghĩa xã hội trên thế giới, trên ý nghĩa hiện thực của nó, cũng chính là thành công và đóng góp của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh là một chiến sĩ trung thành với chủ nghĩa quốc tế vô sản, có đóng góp to lớn cho tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân tất cả các nước, giữa các nước xã hội chủ nghĩa, giữa vô sản và các dân tộc bị áp bức và giữa các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới với nhau. Chủ nghĩa quốc tế của Hồ Chí Minh có nội dung phong phú: Đoàn kết với nhân dân lao động các nước vì mục tiêu chung đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột; đoàn kết quốc tế giữa những người vô sản toàn thế giới vì một mục tiêu chung, “bốn phương vô sản đều là anh em”; đoàn kết với nhân loại tiến bộ vì hoà bình, công lý và tiến bộ xã hội; đoàn kết quốc tế gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước chân chính sẽ dẫn đến chủ nghĩa quốc tế trong sáng, chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa sô vanh, vị kỷ, hẹp hòi, kỳ thị dân tộc…

Năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc đi tìm con đường giải phóng dân tộc. Từ năm 1912 đến năm l917, Người đến nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, sống hòa mình với nhân dân lao động. Thông cảm sâu sắc cuộc sống khổ cực của nhân dân lao động và các dân tộc thuộc địa cũng như nguyện vọng thiêng liêng của họ, sớm nhận thức được cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới và Người đã hoạt động tích cực nhằm đoàn kết nhân dân các dân tộc giành tự do, độc lập.

Cuối năm 1917, Người từ Anh trở lại Pháp tiếp tục hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. Năm 1919, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa. Tháng 12 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp và bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Năm 1921, cùng với một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Tháng 4 năm 1922, Hội ra báo Người cùng khổ (Le Paria) nhằm đoàn kết, tổ chức và hướng dẫn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa. Nhiều bài báo của Người đã được đưa vào tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, xuất bản năm l925, một công trình nghiên cứu về bản chất của chủ nghĩa thực dân, thức tỉnh và cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng.

Tháng 6 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô, làm việc trong Quốc tế Cộng sản. Tháng 10 năm l923, tại Hội nghị Quốc tế nông dân lần thứ I, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân như đại biểu duy nhất của nông dân thuộc địa. Người tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Đại hội Quốc tế Thanh niên Cộng sản lần thứ IV, Đại hội Quốc tế Công hội đỏ. Tại các diễn đàn này, Người kiên trì bảo vệ và phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, hướng sự quan tâm của Quốc tế Cộng sản tới phong trào giải phóng dân tộc.

Hồ Chí Minh là một nhân cách cộng sản mẫu mực, suốt đời phấn đấu, hy sinh cho độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân; sống cuộc đời giản dị, khiêm tốn, ham học hỏi, nói đi đôi với làm; thực hành nghiêm túc các nguyên tắc sinh hoạt của Đảng; gắn bó máu thịt với nhân dân, thường xuyên nhấn mạnh quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Trọn đời, Người chỉ có một mục đích duy nhất là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Người “…chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t4, tr.161).

Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, trong đó chứa đựng tinh hoa của đạo đức nhân loại, đạo đức dân tộc và đạo đức cộng sản mà Mác, Ăngghen, Lênin đã đặt nền móng. Nội dung hàng đầu của đạo đức Hồ Chí Minh là trung với nước, hiếu với dân, là tình yêu thương con người. Chữ “trung”, chữ “hiếu” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển lên tầm cao cộng sản, đó là trung thành với lợi ích quốc gia, với độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân vì nghĩa cả, nghiệp lớn. Chính vì vậy, đạo đức Hồ Chí Minh là biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn cao cả nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Người chỉ rõ: Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nước thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t5, tr.252). Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, dốc trọn tâm can, nhiệt huyết cho dân, cho nước, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, không tơ hào lợi lộc, vinh hoa phú quý là nội dung rất quan trọng trong đạo đức Hồ Chí Minh, được vị lãnh tụ đề cập ngay từ đầu trong tác phẩm Đường cách mạng và nhấn mạnh trong Di chúc để lại cho đồng bào, đồng chí trước lúc đi xa.

Trong mọi hoàn cảnh, dù ở thủ đô hay trong rừng núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn giản dị, thanh cao. Hình ảnh vị lãnh tụ với cháo bẹ, rau măng, lán rạ… trong núi rừng kháng chiến; hay đôi dép cao su, bộ ka ki khiêm tốn, ngôi nhà sàn bé nhỏ, đơn sơ… trên cương vị nguyên thủ quốc gia, mà khi đi vào cõi vĩnh hằng không để lại một chút tài sản riêng tư, đã tạc dấu ấn của một nhân cách cộng sản đích thực vào tinh thần thời đại ngày nay.

Nhân cách cộng sản Hồ Chí Minh còn tỏa sáng một cách mẫu mực từ việc làm, cách ứng xử và cuộc sống hàng ngày của Người. Khi kêu gọi toàn dân xây dựng hũ gạo kháng chiến, vị Chủ tịch nước Hồ Chí Minh cũng mỗi bữa bớt lại một nắm gạo và 10 ngày nhịn ăn một bữa. Khi kêu gọi toàn dân rèn luyện thân thể, Người cũng “tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”. Để thực hiện nghiêm túc chủ trương tiết kiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn mang theo cơm nắm, muối vừng trong mỗi chuyến công tác,v.v… Suốt đời, Người thực hiện nói ít, làm nhiều, nói đi đôi với làm, cán bộ làm gương cho quần chúng noi theo, xây đi đôi với chống, lấy xây làm chính và thực hành tu dưỡng đạo đức thường xuyên như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Nhân cách cộng sản Hồ Chí Minh cũng tỏa sáng một cách độc đáo từ quan niệm Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Ngay sau khi thành lập nước, trong điều kiện Đảng trở thành đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu nhiệm vụ giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, kiên trì đấu tranh phòng chống các căn bệnh, nguy cơ quan liêu, xa rời cuộc sống, xa rời quần chúng nhân dân, đặc quyền đặc lợi, chủ nghĩa cá nhân… Theo Hồ Chí Minh, sức hấp dẫn và sức mạnh của chủ nghĩa xã hội chưa hẳn là đời sống vật chất cao, mà trước hết ở các giá trị nhân văn, đạo đức của nó, được thể hiện trong từng cán bộ cách mạng và đảng viên. Người nhấn mạnh: “Phong trào cộng sản quốc tế trở thành lực lượng quyết định vận mệnh loài người chẳng những là do chiến lược và sách lược thiên tài của cách mạng vô sản, mà còn do những phẩm chất đạo đức cao quý làm cho chủ nghĩa cộng sản trở thành sức mạnh vô địch” (Hồ Chí Minh: Lênin và Cách mạng tháng Mười. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.160).

Thế giới ngày nay có biết bao đổi thay sâu rộng, khó lường. Sự nghiệp của những người cộng sản đã phải nếm trải không ít đổ vỡ, mất mát nhưng loài người không bao giờ quên, không bao giờ phủ nhận những đóng góp lịch sử vĩ đại của cách mạng vô sản và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới trong suốt thế kỷ XX. Loài người cũng mãi mãi tự hào về những chiến sĩ lỗi lạc, những lãnh tụ kiệt xuất đã từng xuất hiện và trưởng thành từ phong trào cộng sản, phong trào cách mạng sôi động ấy, trong đó có Hồ Chí Minh (Việt Nam).

Ở những thập niên đầu thế kỷ XXI hiện nay, nhân dân lao động toàn thế giới đang nỗ lực và sáng tạo đấu tranh vì một thế giới tốt đẹp hơn: một thế giới của hòa bình, độc lập dân tộc; một thế giới khác với thế giới tư bản chủ nghĩa, không còn áp bức, bóc lột, bất công. Tuy nội dung, hình thức đấu tranh có nhiều điểm khác trước, nhưng mục tiêu đấu tranh vẫn thống nhất với thời kỳ của các thế hệ tiền bối cách mạng. Bởi vậy, lá cờ của C. Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và tấm gương của các chiến sĩ cộng sản lỗi lạc như Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị dẫn đường./.

ĐCSVN