Nông dân xã Huyền Sơn “lập trình” cho na ra quả như ý

Lượt xem: 104
Ông Trần Văn Hòa, thôn Giếng Giang, xã Huyền Sơn (đứng giữa) kiểm tra vườn na của gia đình.

Ông Trần Văn Hòa, thôn Giếng Giang, xã Huyền Sơn (đứng giữa) kiểm tra vườn na của gia đình.

Mấy ngày nay, vợ chồng ông Trần Văn Hòa, thôn Giếng Giang dậy từ sớm để ra vườn na thụ phấn cho hoa. Dụng cụ thụ phấn khá đơn sơ, do ông Hòa tự chế từ ống hút của hộp sữa tươi Vinamilk cùng một que tre vót nhỏ làm “xi lanh”. “Công việc thụ phấn cho na không phức tạp, quan trọng là mọi người phải kiên trì, tỉ mỉ”, ông Hòa tâm sự.

Đầu giờ sáng là thời điểm thích hợp nhất để thụ phấn cho na, bởi khi ấy độ ẩm không khí cao, tiết trời mát mẻ, lượng phấn hoa về nhiều. Hoa na là loài lưỡng tính nên không có hoa đực hay hoa cái riêng, vì thế lấy phấn ở một hoa có thể đem thụ phấn cho nhiều hoa khác. Theo ông Hòa, cách đây mấy năm, việc thụ phấn cho na rất vất vả, người dân phải thuê nhân công làm cả ban đêm.

Đặc biệt, lúc đó gia đình nào cũng cố thụ phấn hết số hoa trên cây trong thời gian vài ngày, nên khi vào mùa thu hoạch, na cũng chín tập trung, vô tình tạo sức ép về thời gian đối với người trồng na. Bây giờ thì khác, bà con thụ phấn rải ra trong vòng một tháng, công việc đỡ vất vả, giúp na chín không tập trung. “Trước đây, vào mùa thu hoạch, trung bình mỗi ngày gia đình tôi phải hái hơn 1 tấn quả, nay chỉ khoảng 1 tạ quả, vừa đỡ tốn chi phí thuê nhân công thu hái, vừa không sợ bị tư thương ép giá”, ông Hòa nói.

Gia đình ông Hòa có khoảng 500 cây na dai 30-40 năm tuổi. Vợ chồng ông Hòa được ví như những kỹ sư nông nghiệp thực thụ bởi sự tinh tường về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thụ phấn cho na. Với giá bán từ 20-24 nghìn đồng/kg ở vụ na năm trước, gia đình ông thu về khoảng 300 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 200 triệu đồng. Vụ na năm nay, gia đình ông ước cũng sẽ thu về tương đương như vậy.

Bám sát vườn tược, yêu nghề, những người trồng na ở xã Huyền Sơn đã điều chỉnh na ra quả theo ý muốn. Có thể cho na ra quả ở cả thân, cành. Nếu như na ở nơi khác trong năm cho thu hoạch tập trung vào tháng 7 âm lịch thì na của Huyền Sơn lại cho thu hoạch kéo dài từ tháng 6 đến hết tháng 11 âm lịch.

Vào thăm vườn na xanh tốt của gia đình ông Bùi Văn Quang, thôn Khuyên, chúng tôi ấn tượng bởi những hàng na nằm trên sườn núi Gốm- nơi xưa kia cư dân có nghề làm gốm nổi tiếng một thời; gốc cây nào cũng được bao bọc bởi những hộc đá xám đen. Theo người dân, làm vậy để cây na không bị gió quật ngã, bởi rễ na ăn nông, nếu gốc cây bị long, cây na sẽ chết hoặc không cho quả. Trên khắp các cành, cây nào cũng chi chít quả na to bằng cái chén; từ thân cây, những trùm hoa cũng đang nở rộ. Ông Quang chia sẻ: “Dịp này, chúng tôi đang thụ phấn để na ra quả đợt hai từ thân. Những quả đợt hai sẽ to, đẹp, chất lượng hơn quả ra đợt một từ đầu cành”.

Theo ông Quang, để na ra quả từ thân, bà con đã biết cách tính toán cắt tỉa cành phù hợp, đúng thời điểm khiến na đâm chồi, nảy lộc từ thân. Khi chồi non được khoảng 10 cm thì tiến hành cắt tỉa, chỉ để lại khoảng 2-3 cm. Từ đó, cây na tích nhựa, đơm hoa, kết trái thành chùm.

Na dai Lục Nam nói chung, na dai Huyền Sơn nói riêng mấy năm gần đây nổi tiếng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Do điều kiện thổ nhưỡng của vùng mà những diện tích na dai quanh núi Gốm thuộc xã Huyền Sơn lại tạo được hương vị thơm ngon đặc biệt, khi bán ra bao giờ cũng cao hơn những xã lân cận vài giá.

Ông Bùi Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Huyền Sơn cho biết, hiện toàn xã có khoảng 105 ha na dai, năm nay sản lượng ước đạt 1.700 tấn, trị giá 47-50 tỷ đồng. Để phát huy giá trị từ cây đặc sản này, Đảng ủy, UBND xã Huyền Sơn đã và đang tiếp tục chỉ đạo các chủ vườn quan tâm chăm sóc na đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, xã đã thành lập được HTX na dai Lục Nam với 22 thành viên tham gia; triển khai mô hình trồng na theo quy trình VietGAP với 5 ha. Đây là những hạt nhân tích cực tham gia ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thật vào sản xuất. Từ đó, tạo sức lan tỏa về việc nâng cao giá trị quả na đến các hộ dân trên địa bàn xã; giữ vững thương hiệu của mình.

Nguồn baobacgiang.com.vn