Giao ban trực tuyến cả nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Lượt xem: 112

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến nay, các địa phương trong cả nước đã chủ động bố trí ngân sách hơn 2.930 tỷ đồng để tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn. Ngân sách Trung ương từ Chương trình mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ các địa phương đầu tư 2.451 tỷ đồng cho 576 cơ sở để mua sắm trang thiết bị. Tổng kinh phí hỗ trợ dạy nghề đã sử dụng là 1.641 tỷ đồng. Cả nước huy động được 1.466 cơ sở có đủ điều kiện tham gia dạy nghề. Trên 2 vạn giáo viên cơ hữu, giáo viên thỉnh giảng và trên một vạn kỹ sư, công nhân có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

Trong 3 năm, cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho trên một triệu lao động nông thôn, đạt trên 77% kế hoạch. Trên 61% lao động nông thôn sau khi học nghề tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động được nâng lên, góp phần tăng thu nhập. Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Một bộ phận lao động ở nông thôn đã thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác xã, giải quyết việc làm cho bản thân và các lao động khác. Số người thoát nghèo, số người có thu nhập khá tăng, có nhiều hộ làm giàu, thu nhập đến hàng trăm triệu đồng/năm. Bước đầu đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh kết quả đạt được, sau 3 năm triển khai Đề án 1956 cũng còn nhiều hạn chế: Công tác dạy nghề vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; việc triển khai công tác này còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế; việc thực hiện Đề án diễn ra vào thời điểm khó khăn của nền kinh tế nên kết quả chưa thực sự theo mục tiêu; một số mô hình thí điểm đào tạo nghề cấp huyện chưa rõ nét; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm phù hợp với nghề đào tạo chưa cao; nguồn kinh phí dành cho đề án chưa đáp ứng được nhu cầu…

Tiếp tục thực hiện Đề án, giai đoạn 2013-2015, cả nước phấn đấu hỗ trợ dạy nghề cho khoảng trên 2 triệu lao động, số người học xong có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, hiệu quả cao hơn đạt từ 70% trở lên. Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đối với Trung tâm thuộc UBND cấp huyện làm đầu mối thực hiện các chức năng nhiệm vụ giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp – dạy nghề – giới thiệu việc làm theo chính sách của đề án.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 là một trong những đề án lớn của Chính phủ, có tính chất rộng khắp, bao trùm, huy động sự tham gia của nhiều đối tượng. Việc hoàn thành các mục tiêu của Đề án sẽ là một nhân tố quan trọng để thúc đấy phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, lao động và góp phần ổn định xã hội và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao công tác thực hiện Đề án của các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần phải nhanh chóng phê duyệt kế hoạch nhân lực để phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Đến cuối năm 2013, 100% số xã trong cả nước phải báo cáo kế hoạch sử dụng nhân lực. Mở chuyên mục về chương trình đào tạo nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng để thông tin cho người lao động biết được địa chỉ dạy nghề gắn với việc làm và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các địa phương chưa lập kế hoạch 5 năm triển khai Đề án thì gấp rút thực hiện. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh xúc tiến việc thành lập phòng Lao động để quản lý nhân lực trên địa bàn được chặt chẽ hơn…

Tại Bắc Giang: Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, các cơ sở dạy nghề đã tổ chức đào tạo nghề cho 18.997 lao động nông thôn, trong đó có 3.953 lao động thuộc đối tượng hộ nghèo. Các nghành, nghề chủ yếu được lao động nông thôn theo học là: May công nghiệp; hàn; điện dân dụng; trồng trọt; chăn nuôi; nghề thủ công và mây tre đan. Đến nay, đã có trên 7.100 được các doanh nghiệp tuyển dụng, trên 1.100 lao động được các doanh nghiệp nhận sau khi kết thúc học nghề; trên 7.700 lao động sau khi đào tạo nghề đã tự tìm được việc làm… Thông qua việc thực hiện Đề án đã có 833 hộ gia đình thoát nghèo.

Theo bacgiang.gov.vn