Tái đàn lợn: Cần thận trọng, chắc chắn
09/04/2019 08:09
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá: Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trong vòng hơn một tháng qua đã ảnh hưởng lớn tới ngành chăn nuôi.
Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi |
Đặc biệt, việc người dân hạn chế sử dụng thịt lợn đã khiến giá lợn rớt mạnh. Trong vòng hơn một tháng qua, mỗi kg lợn hơi xuất chuồng, người chăn nuôi bị thiệt hại từ 10 – 15 nghìn đồng. Mặc dù số lợn bị tiêu hủy vì dịch chỉ khoảng 100 nghìn con, chiếm không đáng kể so với quy mô tổng đàn cả nước (khoảng 28 triệu con), tuy nhiên, việc giá lợn tụt sâu do giảm nhu cầu tiêu dùng đã khiến ngành chăn nuôi lợn cả nước thiệt hại ước từ 3.000 – 4.500 tỉ đồng.
Những ngày gần đây, giá lợn đã tăng trở lại. Ông có thể dự báo về diễn biến giá lợn trong thời gian tới?
Với sự vào cuộc của truyền thông, người tiêu dùng đã tăng cường tiêu thụ thịt lợn trở lại, giúp giá lợn tăng. Giá lợn hơi trung bình tại các tỉnh phía Bắc từ chỗ 30 – 32 nghìn đồng/kg, hiện đã nâng lên mặt bằng chung khoảng 40 nghìn đồng/kg, giúp người chăn nuôi có lãi.
Theo dự báo của chúng tôi, giá thịt lợn nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng, có thể cán mốc bình quân 45 nghìn đồng/kg trong thời gian tới. Từ nay đến cuối năm, giá thịt lợn dự báo sẽ tiếp tục lạc quan, với chiều hướng tăng thêm chứ không giảm. Trong đó, giá lợn có thể sẽ tăng cao trong khoảng từ quý III và quý IV/2019.
Đâu là những yếu tố để dự báo giá lợn sẽ tăng mạnh thời gian tới, thưa ông?
Với kịch bản người tiêu dùng tiếp tục tiêu thụ thịt lợn bình thường trở lại trong thời gian tới, chúng tôi đánh giá nguồn cung thịt lợn trên thị trường sẽ ở trạng thái thiếu hụt. Nguyên nhân là do từ cuối năm 2018 đến nay, ngành chăn nuôi lợn đã liên tục xảy ra dịch bệnh kéo dài, từ dịch LMLM cuối năm 2018 lại đến DTLCP. Điều này khiến một lượng lớn các cơ sở chăn nuôi một phần bị thiệt hại, một phần phải ngừng vào đàn. Vì vậy, nguồn cung thịt lợn hiện nay không thể nói là dồi dào. Chúng tôi dự báo có thể bắt đầu từ quý II, đặc biệt là từ quý III, quý IV năm 2019, nguồn cung thịt lợn có thể sẽ còn bị giảm sút mạnh hơn nữa.
Các trang trại khi tái đàn, phải đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học |
Tại các nước trong khu vực, giá thịt lợn cũng đều đang ở mức cao (Trung Quốc đang có giá khoảng 60.000 đồng/kg; Thái Lan, Campuchia khoảng 55.000 – 57.000 đồng/kg…). Vì vậy nếu xét về quan hệ cung – cầu bình thường, giá thịt lợn của chúng ta nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao.
Vậy giải pháp nào để cân bằng cung cầu, ổn định thị trường thịt lợn, vừa đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi hợp lí trong thời gian tới?
Đầu tiên, chúng ta vẫn phải tiếp tục đảm bảo kiểm soát tốt DTLCP. Vấn đề này thời gian qua chúng ta đã làm rất tốt, và cần phải tiếp tục được duy trì. Hiện nhiều tỉnh có ổ dịch nhỏ lẻ, cũng đã sắp qua 30 ngày không xảy ra dịch bệnh và có thể công bố hết dịch trong thời gian tới. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để hâm nóng trở lại hoạt động chăn nuôi cũng như tiêu thụ thịt lợn.
Hiện tại, các tỉnh từ Nam Trung bộ trở vào đều không bị dịch bệnh, chăn nuôi đang an toàn, trong đó khu vực các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả Đông Nam bộ đều đang có năng lực chăn nuôi lợn có quy mô lớn và khả năng phát triển trang trại rất tốt. Đây là các khu vực mà chúng tôi khuyến cáo thời gian tới nên đẩy mạnh đối với chăn nuôi lợn để bù nguồn cung cho các tỉnh phía Bắc.
Trong đợt DTLCP vừa qua, chúng ta cũng đã hết sức chú ý tới các cơ sở giống quy mô lớn. Có thể khẳng định hiện nay, nguồn cung giống lợn vẫn đang rất đảm bảo, dồi dào, đủ đáp ứng cho nhu cầu tái đàn tại các vùng dịch. Đối với tín dụng, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có cơ chế khoanh nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi lợn tại các vùng dịch. Thời gian tới, chúng tôi đề nghị các ngân hàng cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay nhằm đảm bảo cho người chăn nuôi tại các vùng hết dịch đủ vốn để khôi phục trở lại. |
Giải pháp thứ hai là cần phải điều chỉnh các khu vực chăn nuôi khác như gia cầm, sữa, đại gia súc (trâu, bò, dê…) để đáp ứng nguồn cung thay thế cho thịt lợn trong bối cảnh nguồn cung thịt lợn có thể khan hiếm. Năm 2019, ngành chăn nuôi đã xác định sẽ phải đẩy mạnh hơn nữa chăn nuôi gia cầm, với mức tăng trên 7% (so với 6% năm 2018); bò thịt tăng 5% (so với 4% năm 2018); trứng tăng 10%; sữa tăng 10%…
Về giải pháp cụ thể, không chỉ riêng với chăn nuôi lợn, mà biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nói chung sẽ phải được đẩy mạnh.
Trong đợt DTLCP, các trang trại có quy mô, áp dụng nghiêm ngặt về an toàn sinh học cho thấy đều an toàn, trong khi các ổ dịch hầu hết là bùng lên ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không có các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ.
Điều đó cho thấy yêu cầu cần phải tổ chức lại chăn nuôi trong thời gian tới. Bởi chúng ta không thể nào diệt hết được virus DTLCP trong môi trường, nên biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không để virus xâm nhiễm vào cơ sở chăn nuôi vẫn là giải pháp tối ưu nhất.
Hiện chúng ta đã có bộ quy chuẩn hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học. Bộ NN-PTNT cũng đã giao Cục Chăn nuôi, phối hợp với Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đẩy mạnh việc phổ biến quy trình chăn nuôi an toàn sinh học tới các địa phương, tới từng hộ chăn nuôi.
Cục Chăn nuôi có khuyến cáo nào cho người chăn nuôi lợn trong thời gian tới, đặc biệt là tại các vùng sắp hết dịch?
Khi đảm bảo công bố hết dịch, chúng tôi khuyến khích các hộ chăn nuôi lợn tái đàn, khôi phục chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, quá trình tái đàn cần phải lưu ý, cẩn trọng ở mấy điểm.
Một là cơ sở chăn nuôi đó phải đảm bảo việc áp dụng theo quy trình an toàn sinh học thì mới tái đàn, không tái đàn ồ ạt khi chưa đảm bảo về chăn nuôi an toàn sinh học.
Cục Chăn nuôi khuyến cáo sau khi hết dịch, cần nuôi thăm dò trước, không nên ồ ạt vào đàn quy mô lớn |
Hai là tái đàn nhưng không nên chủ quan, mà nên nuôi thăm dò với số lượng nhỏ trước, sau đó nếu thấy ổn thì mới tăng tiếp quy mô lớn hơn. Bởi mặc dù các vùng dịch đã công bố hết dịch, nhưng có thể mầm bệnh, nguồn virus vẫn còn lưu hành, và vẫn rất có thể tái dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.
Xin cảm ơn ông!
Trong phòng chống DTLCP vừa qua, tôi cho rằng chúng ta đã hết sức linh hoạt, không tiến hành tiêu hủy lợn trong vòng bán kính 3km như cách làm của Trung Quốc, mà vẫn cho phép duy trì nuôi, giết mổ để tiêu thụ tại chỗ đối với lợn khỏe mạnh, âm tính với virus DTLCP. Các địa phương cần hết sức tạo điều kiện để giết mổ, có kiểm soát về thú y đối với các cơ sở chăn nuôi có lợn khỏe mạnh, xét nghiệm âm tính với virus DTLCP nhằm giảm tải áp lực cho các trang trại bị dồn ứ lợn đã đến lứa xuất chuồng. Nếu làm tốt điều này, kết hợp tuyên truyền để người dân quay lại tiêu thụ thịt lợn bình thường, sẽ vẫn có thể giải tỏa được đáng kể áp lực tiêu thụ cho người chăn nuôi trong thời gian chờ hết dịch. (Ông Nguyễn Xuân Dương) |