Sử dụng hiệu quả vaccine cho gia cầm

Lượt xem: 137

Chất lượng

Chất lượng vaccine phụ thuộc phần lớn vào công nghệ và trình độ của công ty sản xuất. Nếu vaccine không chất lượng thì cho dù có tiêm chủng đầy đủ nhưng gia cầm vẫn có thể nhiễm bệnh như thường. Vì vậy, khi lựa chọn vaccine nên chọn những nhà cung cấp có thương hiệu và uy tín lâu năm trên thị trường.

Liều lượng

Liều lượng quá thấp sẽ không đủ kích thích cơ thể sinh miễn dịch. Ngược lại, nếu liều lượng quá cao có thể dẫn đến tình trạng dung nạp miễn dịch (nghĩa là khi cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên, nó không chống lại mà chấp nhận kháng nguyên đó như là 1 phần của bản thân mình). Tùy từng loại mầm bệnh cũng như tình hình thực tế của từng khu vực, địa phương, mà cân nhắc chọn liều lượng vaccine cho thích hợp.

Bảo quản

Một chương trình vaccine hợp lý cũng không phát huy được tác dụng nếu vaccine bị hư hỏng do việc bảo quản không đúng, vaccine sống có thể bị bất hoạt hay hỏng nếu bảo quản trong những điều kiện bất lợi như nhiệt độ cao do tủ lạnh bị hư, do mất điện, hoặc vaccine bị tác động trực tiếp bởi ánh nắng mặt trời. Vì vậy, việc bảo quản vaccine phải tuân thủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất (thông thường vaccine sống được bảo quản ở 2 – 80C).

Kỹ thuật thực hiện

Đường cấp: Mỗi loại vaccine được đưa vào cơ thể theo một đường thích hợp. Những vaccine bị phá hủy bởi dịch dạ dày, dịch ruột thì không đưa vào cơ thể bằng đường uống; những vaccine nhằm kích thích miễn dịch tiết tại chỗ thì không đưa vào cơ thể bằng đường tiêm. Vaccine không được sử dụng đúng không những không tạo được miễn dịch mà còn có thể gây ra những tác dụng không mong muốn.

Thời điểm: Cấp vaccine quá sớm hay quá muộn đều làm cho khả năng đáp ứng miễn dịch của gia cầm bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy mỗi bệnh đều có khuyến cáo thời gian chủng ngừa cụ thể nhưng trong một số ít trường hợp cần thiết, người nuôi vẫn nên linh động điều chỉnh tùy thuộc vào dịch tễ, áp lực mầm bệnh của địa phương, sức khỏe vật nuôi hiện tại mà sắp xếp lịch sử dụng vaccine phù hợp (có thể đẩy lên sớm hoặc lùi thời gian sử dụng vaccine lại 1 vài ngày).

Quy trình: Việc cấp vaccine không đúng là nguyên nhân thường gặp, làm cho vaccine không có khả năng bảo vệ cho gia cầm. Một số trang trại khi dùng vaccine, do người công nhân không có nhiều kỹ năng hoặc do quá trình làm ẩu, đã tiêm vaccine ra ngoài, hoặc gia cầm chỉ nhận được một phần vaccine nên cũng không có miễn dịch tốt. Hay cũng có một số trường hợp, người nuôi lấy nhầm vaccine, do không đọc kỹ nhãn… Ngoài ra, việc sử dụng nước để pha vaccine không đúng kỹ thuật cũng có thể làm mất hoạt lực của virus vaccine như dùng nước máy để pha vaccine, chất sát trùng (Flor) trong nước máy sẽ làm virus vaccine mất hoạt lực, không có khả năng tạo miễn dịch cho gia cầm.

Kháng thể mẹ truyền

Kháng thể từ mẹ có ảnh hưởng lớn đến khả năng đáp ứng miễn dịch của đàn gia cầm, việc sử dụng vaccine khi kháng thể mẹ truyền còn cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhân lên của virus vaccine, đều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng miễn dịch của gia cầm.

An toàn sinh học

Vệ sinh an toàn sinh học và quản lý đóng vai trò quan trọng trong sự thành bại của hệ thống nuôi. Quá trình vệ sinh chuồng trại kém, chuồng không thông thoáng sẽ làm gia tăng áp lực mầm bệnh trong trại, dẫn đến gia cầm có thể bị mắc bệnh, mặc dù đã sử dụng vaccine.

Chủng vaccine

Một số loại bệnh được gây ra bởi những tác nhân có nhiều chủng khác nhau như IB có khoảng 100 chủng, Salmonella có khoảng 2.000 chủng. Bởi vậy, nhiều trường hợp, những chủng này không tạo ra miễn dịch chéo nên bệnh vẫn có bùng phát nếu virus vaccine không cùng chủng với virus gây bệnh trong vùng.

Nguồn langmoi.vn