Để nông nghiệp hữu cơ không còn lúng túng và “bơ vơ”
28/12/2021 04:15
Tiềm năng nhưng phát triển chậm
Cả nước hiện có 46/63 tỉnh, thành đang sản xuất hữu cơ; có trên 17.000 nông dân tham gia sản xuất hữu cơ và 97 doanh nghiệp sản xuất hữu cơ. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đã xuất khẩu sang 180 nước.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), diện tích canh tác hữu cơ của Việt Nam vào năm 2016 đã tăng từ hơn 50.000ha lên đến gần 240.000ha vào năm 2020.
Ông Trần Thế Hiệp – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ NhoNho, một đơn vị thực hiện chứng nhận hữu cơ đánh giá, tốc độ phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo ông Hiệp, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, hướng đến cung cấp sản phẩm sạch và an toàn; và nhu cầu với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cũng rất lớn.
Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất hiện nay là sản xuất hữu cơ trong nước chưa phát triển mạnh, mặc dù đã có nghị định về phát triển nông nghiệp hữu cơ, và bộ tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.
Ông Hiệp cho rằng, việc người sản xuất phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cũng như toàn bộ quy trình đánh giá chứng nhận nông nghiệp hữu cơ là không hề đơn giản.
Các hộ sản xuất phải thực hiện rất nhiều hoạt động mà khó khăn nhất là chứng minh được điều kiện sản xuất từ môi trường đất, môi trường nước đáp ứng được tiêu chuẩn.
Nếu chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, người sản xuất phải thực hiện giai đoạn chuyển đổi cho vùng sản xuất. Và sau khi được cấp giấy chứng nhận hữu cơ, hàng năm, đơn vị cấp chứng nhận phải đánh giá lại để xem xét đơn vị sản xuất có tuân thủ đầy đủ hay không.
Nhìn chung, ông Hiệp cho biết, quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp không an toàn và sản xuất nông nghiệp an toàn và hữu cơ gặp rất nhiều thách thức; thậm chí, người muốn làm nông nghiệp hữu cơ phải chịu tổn thất rất nhiều.
Nguyên nhân là phần lớn quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; diện tích hạn chế; sản lượng ít, thiếu cạnh tranh. Trong khi đó làm nông nghiệp hữu cơ phải bỏ ra tiền lớn để đầu tư hạ tầng, công nghệ và đăng ký chứng nhận.
Nhận thức của người tiêu dùng về nông nghiệp hữu cơ cũng là một vấn đề vì họ chưa hình dung rõ ràng giữa sản phẩm an toàn với sản phẩm hữu cơ. “Trong khi giá bán sản phẩm hữu cơ không hề rẻ”, ông Hiệp nói.
Ông Lâm Thái Xuyên – Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Minh Phú (thuộc Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú) kể, doanh nghiệp đang thực hiện chuỗi liên kết nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng Cà Mau, với 2.010 hộ dân trên diện tích 9.722ha.
Mục tiêu của doanh nghiệp sẽ phát triển diện tích nuôi tôm hữu cơ lên 20.000ha; diện tích lúa – tôm hữu cơ 30.000ha. Tuy nhiên, công tác quy hoạch canh tác hữu cơ trong dài hạn còn gây cản trở cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Cung- Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên thì cho rằng “tảng băng chìm” gây cản trở sản xuất hữu cơ nằm ở vùng sản xuất.
Việt Nam có chính sách rõ ràng về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Chính sách đi theo ngành dọc từ Bộ NN-PTNT, xuống tới Sở NN-PTNT, xuống tới huyện thì thông suốt.
“Thế nhưng xuống đến ấp, xã và từng hộ dân thì ách tắc. Doanh nghiệp muốn phát triển nông nghiệp hữu cơ vì lợi ích chung nhưng gặp nhiều hạn chế”, ông Cung nói.
Không lo được thị trường thì không thể giữ chân nông dân, DN
Theo ông Hiệp, sản xuất hữu cơ trong nước gặp nhiều khó khăn còn do các nước đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe về nông nghiệp hữu cơ. Các tiêu chuẩn này tạo thành rào cản khi người sản xuất hữu cơ muốn tiếp cận với thị trường từng nước.
Muốn xuất khẩu sản phẩm hữu cơ sang Mỹ phải đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, muốn xuất khẩu sang Nhật thì đáp ứng tiêu chuẩn của Nhật. “Và các tiêu chuẩn hiện nay chưa có sự thống nhất chung trên toàn cầu”, ông Hiệp phân tích.
Bà Vũ Lê Y Voan, cố vấn Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho rằng, nông nghiệp hữu cơ không chỉ là sản phẩm, mà là phong cách sống, là cách tương tác của con người với thiên nhiên.
Việt Nam đã có chính sách chung thì các địa phương phải xác định rõ nguồn lực, sản phẩm thế mạnh để phát triển. Bởi vì nông nghiệp hữu cơ phát triển nhờ hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lực con người ở chính địa phương đó.
Nghĩa là cần có chương trình nông nghiệp hữu cơ cụ thể cho từng tỉnh, từng huyện tới từng xã. Khi lãnh đạo địa phương biết dấy lên phong trào thì “nguồn lực mềm” này sẽ huy động được rất nhiều đóng góp và tâm huyết từ người dân, doanh nghiệp.
“Phải làm sao để mọi người hiểu về nông nghiệp hữu cơ nhiều hơn, có giá rẻ hơn”, bà Voan nói.
Ông Hoàng Sĩ Thính, đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng ý với quan điểm của bà Voan. Tuy nhiên, ông Thính cho rằng, cần giải quyết cân đối tính ngắn hạn và dài hạn trong sản xuất hữu cơ.
Theo ông Thính, nông dân đang trăn trở trực tiếp với thu nhập và nhu cầu sống trước mắt. Trong khi nông nghiệp hữu cơ là cách sống, mà cách sống thì dài hạn. “Nông dân không thể nhịn đói để theo đuổi tình yêu dài hạn”, ông Thính nói.
Thị trường đầu ra của nông nghiệp hữu cơ là một trong những khó khăn lớn nhất, nằm trong nhóm vấn đề ngắn hạn. Vì thế, ông Thính đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần vào cuộc để hỗ trợ, giải quyết những khó khăn ngắn hạn cho người tâm huyết với NNHC.
Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá, thực trạng sản xuất NNHC trong nước còn nhiều ngổn ngang, từ vấn đề sắp xếp tổ chức sản xuất, hệ thống chứng nhận cho tới khâu phân phối ra thị trường.
Theo ông Tùng, nông nghiệp hữu cơ không chỉ dừng lại ở giá trị sản phẩm mà còn phải là câu chuyện văn hóa và tình người. Mỗi sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phải là một câu chuyện đẹp để có cách tiếp cận thân thiện hơn.
Không giải quyết được vấn đề thị trường cho nông nghiệp hữu cơ thì không thể giữ chân được nông dân và doanh nghiệp. “Ngành nông nghiệp, các địa phương và những người tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng một nền tảng vững chắc, nâng tầm nông sản Việt”, ông Tùng chia sẻ.
Sản phẩm “nửa” hữu cơ
Phó Giáo sư Từ Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối Hệ thống tự nguyện giúp đưa nông dân vào một tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ và kết nối họ với nhau để tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ (PGS) Việt Nam cho biết, dữ liệu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam tăng rất nhanh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, độ tin cậy lại chưa được khẳng định do không có một cơ quan chính thống nào khảo sát và tổng hợp.
Trên thực tế, phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển nhanh nhưng số sản phẩm được chứng nhận hữu cơ thật sự chưa có nhiều. Trong khi đó, chứng nhận chính là tấm vé đưa sản phẩm đến thị trường và chứng thực giá trị của sản phẩm.
Trên thị trường có nhiều sản phẩm được gắn mác hữu cơ, sản xuất theo hướng hữu cơ… nhưng không có chứng nhận nên chỉ bán như sản phẩm thông thường và không tạo được niềm tin với người tiêu dùng.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu, thực tế nhiều nông dân, cơ sở định hướng sản xuất hữu cơ nhưng chưa nhận thức đúng về quy trình, tiêu chuẩn hữu cơ.
Sản xuất hữu cơ phải đảm bảo chứng nhận hữu cơ từ giống, vật tư, quy trình đến thu hoạch, chế biến, bảo quản nhưng nhiều nông dân vẫn chỉ nghĩ đơn thuần là không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là sản xuất hữu cơ và tự gắn mác sản phẩm là hữu cơ.
Ông Trần Minh Châu, Công ty chứng nhận kiểm định Vinacontrol cho biết, khó khăn của nhiều cơ sở sản xuất hữu cơ hiện nay chính là chi phí sản xuất quá cao, bao gồm chi phí tư vấn vận hành, chi phí phân tích, chi phí chứng nhận và duy trì chứng nhận hữu cơ. Hầu hết nông hộ, cơ sở sản xuất hiện nay đều có quy mô nhỏ, lẻ nên chi phí trên mỗi đơn vị sản phẩm càng cao.
Mặt khác, nguồn cung ứng con giống, vật tư đầu vào có chứng nhận hữu cơ còn rất hạn chế nên nhiều người nhận thức chưa đầy đủ bắt đầu sản xuất hữu cơ từ đầu vào không đạt chuẩn, không có chứng nhận và cho ra sản phẩm “nửa” hữu cơ, không đủ tiêu chuẩn để cấp chứng nhận hữu cơ.
Xây dựng liên kết theo chuỗi
Các chuyên gia cho rằng, nông nghiệp hữu cơ không chỉ là sản phẩm hữu cơ mà là xây dựng một hệ sinh thái từ sản xuất – tiêu dùng đến cách ứng xử với môi trường sống, do đó để phát triển nông nghiệp hữu cơ cần xây dựng liên kết theo chuỗi, có kế hoạch đầu tư sản xuất, tiêu thụ như thế nào để mang lại hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên (Cần Thơ) cho rằng, khó khăn của sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay chính là bài toán cân đối giữa chất lượng sản phẩm và giá bán. Có sự lệch pha khi người sản xuất ra sản phẩm tốt luôn muốn bán với giá cao, phải có lợi nhuận mới tái đầu tư sản xuất được nhưng người tiêu dùng lại muốn dùng sản phẩm tốt với giá rẻ và chưa thực sự hiểu đúng giá trị của nông sản hữu cơ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Cung, nông sản hữu cơ hiện nay có giá cao là bởi quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ trong khi chi phí đầu tư sản xuất lớn. Muốn tạo ra sản lượng lớn, hạ giá thành sản phẩm và đủ hàng hóa xuất khẩu thì phải tổ chức sản xuất theo quy mô lớn.
Tuy nhiên, việc tập hợp nông dân để phát triển vùng sản xuất hữu cơ hiện nay không dễ nếu không có sự hỗ trợ từ phía địa phương. Thêm vào đó, vấn đề liên kết, tiêu thụ nông sản hữu cơ trong các hệ thống phân phối, siêu thị chưa được chặt chẽ và hiệu quả.
Trong khi đó, ông Lê Quốc Việt, Hội nông dân huyện Châu Thành, Kiên Giang cho rằng, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ ở tầm vĩ mô rất tốt nhưng chưa đi vào thực tế. Minh chứng là từ chiến lược phát triển nông nghiệp hữu cơ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chính sách hỗ trợ sản xuất được ban hành rất nhiều nhưng khi tới cấp cơ sở, nhất là huyện, xã thì hầu như không triển khai được gì.
Sản xuất hữu cơ cần đầu tư vốn lớn và thời gian chuyển đổi từ 3 -5 năm mới có thể đạt được chứng nhận nhưng chính sách hỗ trợ người sản xuất, nhất là nông hộ rất thấp, rời rạc nên không thu hút được nông dân.
Theo ông Việt, nên có chế độ hỗ trợ cụ thể và thiết thực đối với nông dân chuyển đổi sản xuất theo tập quán sang sản xuất hữu cơ. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm hữu cơ.
Bà Đặng Thị Cuối, Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý chia sẻ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn đầu gặp rất nhiều khó khăn do người tiêu dùng chưa đánh giá đúng giá trị nông sản hữu cơ, sản phẩm hữu cơ dù ít nhưng lại khó tiêu thụ.
Sau thời gian kiên trì thực hiện và đạt được chứng nhận hữu cơ, hợp tác xã đã tiếp cận được các đầu mối tiêu thụ lớn, hợp tác xã liên tục mở rộng diện tích sản xuất nhưng vẫn không đủ cung ứng.
Tuy nhiên, có một thực tế là việc quản lý, giám sát sản xuất nông nghiệp hữu cơ thời gian qua chưa được chặt chẽ, dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất thiếu minh bạch, lấp lửng giữa sản phẩm hữu cơ được chứng nhận và sản phẩm canh tác theo hướng hữu cơ.
Điều này gây rủi ro cho người sản xuất đúng tiêu chuẩn, chất lượng và làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng vào nông sản hữu cơ. Do đó, để phát triển nông nghiệp hữu cơ một cách bài bản, cần cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ hơn.
Song song đó, nâng cao năng lực cho các tổ chức chứng nhận hữu cơ trong nước, gắn với giám sát việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ, hướng tới mục tiêu công nhận kết quả chứng nhận lẫn nhau giữa các tổ chức trong nước và quốc tế. Từ đó, góp phần cắt giảm chi phí giám định và chứng nhận, tạo điều kiện để người tiêu dùng sử dụng sản phẩm hữu cơ với giá cả hợp lý./.