Mỳ Chũ Lục Ngạn “gõ cửa” thị trường khó tính

Lượt xem: 60
Với việc xuất khẩu thành công 4 tấn mỳ Chũ sang Anh của một doanh nghiệp ở Bắc Giang đang mở ra cơ hội cho loại sản phẩm này tại thị trường ngoài nước.
Anh-tin-bai

HTX sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Trại Lâm

“Chúng tôi vừa xuất khẩu hơn 4 tấn sản phẩm mỳ Chũ sang Anh và sắp tới, dự kiến sẽ xuất khẩu sang Mỹ” – Bà Đào Thị Hương – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Trại Lâm hồ hởi chia sẻ với chúng tôi trong một ngày cuối năm bận rộn, tất bật với những đơn hàng xuất khẩu.
Tấp nập đơn hàng xuất khẩu
Đi dọc quốc lộ 31, cách thành phố Bắc Giang 40km về phía Đông, chúng tôi đến xã Nam Dương, huyện miền núi Lục Ngạn và được người dân nơi đây giới thiệu đến làng nghề mỳ gạo Nam Dương, còn gọi là mỳ Chũ ngon nức tiếng gần xa. Từ tờ mờ sáng, người làm mỳ đã đem bột ra tráng thành bánh để kịp phơi cho được nắng.
Vừa tráng bánh, bà Đào Thị Hương – Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Trại Lâm – vừa giới thiệu với chúng tôi về quy trình sản xuất để tạo ra những sợi mỳ vừa dẻo dai, vừa ngọt bùi.
Hiện HTX đang có 10 dòng sản phẩm, ngoài mỳ trắng truyền thống, còn có mỳ Chũ Green Thuận Hương, mỳ gạo rau củ ngũ sắc như mỳ gạo lứt, mỳ nghệ, mỳ gấc, mỳ hoa đậu biếc, mỳ củ dền đỏ, mỳ chùm ngây…
Toàn bộ sản phẩm được làm từ gạo bao thai Hồng, được trồng trên vùng đất đồi Chũ và rau củ quả trồng theo phương pháp VietGap; quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói bao bì mẫu mã đẹp, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Nhờ thế, sản phẩm mỳ của HTX không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang những thị trường khó tính nhất trên thế giới. “Năm 2023, HTX tiêu thụ được khoảng 250 – 400 tấn hàng, trong đó xuất khẩu được khoảng 60 tấn sang các thị trường: Nhật Bản, Anh, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc…” – bà Hương tiết lộ, đồng thời cho hay, đợt Tết này, HTX vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các đơn hàng xuất khẩu, vừa mới xong đơn hàng đi Anh, lại tiếp tục đơn hàng xuất đi Lào.
Nói riêng về thị trường Nhật Bản – một trong những thị trường khó tính bậc nhất nhưng HTX mỳ Trại Lâm đã xuất khẩu nhiều năm nay, riêng năm 2023 được hơn 13 tấn. Bà Hương nhớ lại, để tiếp cận thị trường của Nhật Bản, HTX đã mất gần 1 năm chuẩn bị.
“Đầu tiên, họ sang Việt Nam tìm hiểu sản phẩm, đồng thời gửi mẫu gạo, mẫu mỳ đi test ở các đơn vị trong nước mình và nước họ. Việc test sản phẩm này cũng diễn ra trong nhiều lần… mà không có sai lệch gì lớn, thì họ mới nhập sản phẩm của chúng ta” – bà Hương cho biết.
Tại thời điểm này, HTX mỳ Chũ Xuân Trường đang tất bật sản xuất và hoàn thiện các công đoạn làm mỳ để kịp giao những đơn đặt hàng xuất khẩu lớn cho dịp Tết.
Hiện tại, mỳ Chũ Xuân Trường đã xuất khẩu sang Australia, Hồng Kông và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đây cũng là cơ sở để HTX tính chuyện đường dài – đó là gia tăng sản lượng xuất khẩu trong những năm tới. Cụ thể, HTX chuẩn bị cho mục tiêu xuất khẩu sang châu Phi, châu Âu, song song với việc hoàn thiện các chứng chỉ HACCP, ISO…
Đặc biệt, HTX mỳ Chũ Xuân Trường đang phấn đấu để có được các chứng chỉ an toàn thực phẩm, từ đó có “giấy thông hành” vào các nước theo đạo Hồi và những thị trường đòi hỏi cao về an toàn thực phẩm. Để có được các chứng chỉ này, HTX phải luôn tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng đặt ra với mọi công đoạn sản xuất, từ chọn gạo đến xay, tráng, sấy, thái.

Đưa hàng Việt vươn xa bằng “chất lượng”
Trong cuộc trò chuyện hơn 1 tiếng đồng hồ, bà Đào Thị Hương nhiều lần khẳng định, để giữ được thương hiệu nghề truyền thống và phát triển bền vững, HTX luôn đặt chất lượng lên đầu. Theo đó, các thành viên của HTX xác định không bao giờ làm chộp giật mà làm chắc, làm chậm và từ từ. Chỉ khi các sản phẩm đạt yêu cầu mới đưa ra thị trường và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, HTX cũng chú trọng công tác bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu đối với sản phẩm và đầu tư dây chuyền công nghệ. HTX đã đầu tư 520 m2 nhà màng để phục vụ phơi, sấy sản phẩm. “Vừa qua, có đối tác ở Mỹ đã bày tỏ mong muốn hợp tác với HTX để xúc tiến đưa sản phẩm mỳ Chũ sang Mỹ và dự kiến năm 2024, chúng tôi sẽ cố gắng xuất khẩu sang thị trường này” – bà Hương nói.
Tuy nhiên, để tiếp sức cho các sản phẩm nông sản miền núi xuất khẩu, đặc biệt là các dòng sản phẩm sạch đến với nhiều nước trên thế giới hơn, bà Hương mong muốn các ban, ngành hỗ trợ HTX trong đầu tư kho lạnh để lưu trữ hàng và nhà kính đóng gói sản phẩm.
Hiện nay, HTX đã khoán sản phẩm đến từng hội viên. Bà con có mã số, muốn giữ nghề phải sản xuất nghiêm túc. Giữa hợp tác xã và người nông dân phải có cam kết về quyền lợi và trách nhiệm. HTX cam kết thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra. Người nông dân phải cam kết sản xuất xanh, sạch, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, nỗ lực làm tốt hơn để thương hiệu được duy trì lâu dài.
Ông Nguyễn Thế Thi – Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm OCOP, đặc biệt là sản phẩm mỳ Chũ Bắc Giang, từ năm 2018, UBND huyện Lục Ngạn đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát tổng thể sản phẩm này, hỗ trợ và tạo điều kiện cho địa phương phát triển thương hiệu Mỳ chũ, đồng thời tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu.
Từ thức quà thơm thảo của quê nhà, qua bàn tay và khối óc của người nông dân, đặc biệt là sự đồng hành của địa phương và các HTX trên địa bàn huyện Lục Ngạn, mỳ Chũ đã vươn ra thị trường và quay lại làm giàu cho chính người nông dân. Bài học từ sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ là bài học cho nhiều nông sản miền núi khác cùng noi theo, để không còn tình trạng lo lắng về đầu ra, được mùa mất giá.

Nguồn bài viết: congthuong.vn