Các bước xây dựng mô hình liên kết, hợp tác (theo tinh thần Đề án số 07-ĐA/HNDT ngày 27/3/2017 của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang)

Lượt xem: 82

Bước 1: Hội Nông dân huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở hội tổ chức quán triệt cho các cán bộ, hội viên nông dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án số 07-ĐA/HNDT ngày 27/3/2017 của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh về nâng cao vai trò của Hội Nông dân trong liên kết, hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2017- 2020. Tổ chức hoạt động, vai trò, trách nhiệm, quyền và lợi ích khi tham gia xây dựng mô hình liên kết, hợp tác; hiểu rõ về tổ chức và hoạt động của mô hình liên kết, hợp tác theo hướng dẫn.

Bước 2: Hội Nông dân huyện, thành phố chỉ đạo cơ sở hội rà soát, thống kế các hộ hội viên nông dân có cùng loại hình sản xuất kinh doanh (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ…), và có nhu cầu tham gia xây dựng mô hình liên kết, hợp tác. Lựa chọn trong số hội viên nông dân có tâm huyết, uy tín và khả năng vận động thuyết phục, có kinh nghiệm để dự kiến làm tổ trưởng hoặc trong Ban điều hành của mô hình (tổ trưởng, kế toán, thủ quỹ). Lập danh sách các thành viên tham gia mô hình.

Bước 3: Hội Nông dân cơ sở báo cáo cấp uỷ, chính quyền địa phương và Hội Nông dân cấp trên để có ý kiến chỉ đạo về việc xây dựng mô hình liên kết, hợp tác. Hướng dẫn người dự kiến làm tổ trưởng, tổ phó hoặc trong Ban điều hành mô hình soạn thảo các văn bản cần thiết cho việc thành lập mô hình, cụ thể:

+ Xây dựng dự thảo “Hợp đồng liên kết”.

+ Đơn đề nghị thành lập mô hình liên kết, hợp tác.

+ Danh sách đóng góp tài sản của thành viên.

+ Bảng tài sản chung của mô hình liên kết, hợp tác.

Bước 4: Tổ chức hội nghị thành lập mô hình liên kết, hợp tác (Lễ ra mắt mô hình liên kết, hợp tác). Hội Nông dân cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức hội nghị ra mắt mô hình:

Công tác chuẩn bị Hội nghị:

+ Chuẩn bị tài liệu họp gồm: Hợp đồng liên kết; danh sách đóng góp tài sản, bảng tài sản chung của tổ liên kết, hợp tác; đơn đề nghị thành lập; danh sách thành viên.

+ Chuẩn bị địa điểm, thời gian và phòng họp.

+ Làm giấy mời họp gửi trực tiếp tới các thành viên tham gia mô hình.

+ Mời đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân tham dự.

Chương trình và nội dung hội nghị:

+ Đại diện thành viên tham gia mô hình (thành viên dự kiến làm tổ trưởng hoặc đại diện Ban điều hành mô hình) chủ trì hội nghị:

Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

Cử thư ký.

Công bố quyết định của Hội Nông dân cơ sở về việc thành lập mô hình.

Trình bày hợp đồng liên kết, hợp tác và các văn bản dự thảo.

Các thành viên phát biểu ý kiến đóng góp.

Tổng hợp các ý kiến đóng góp, chỉnh sửa văn bản dự thảo.

Biểu quyết thông qua từng văn bản hoặc đồng thời tất cả văn bản.

Bầu tổ trưởng,tổ phó, Ban điều hành( nếu có).

Lấy chữ ký của các thành viên tham gia mô hình vào bản hợp đồng liên kết đã được biểu quyết (3 bản).

Đọc biên bản thông qua trước hội nghị.

Kết thúc hội nghị.

– Bước 5: UBND xã xác nhận hợp đồng liên kết, hợp tác; Hội Nông dân cơ sở căn cứ vào hợp đồng liên kết, hội nghị ra mắt của mô hình liên kết, hợp tác, thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ mô hình hoạt động có hiệu quả./.

BBT